Nhóm “cổ phiếu vua” vẫn luôn là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư khi liên tục tăng giá tạo những cơn sóng lớn trên thị trường chứng khoán mặc cho giá cổ phiếu ngành khác trồi sụt liên tục.
Nhóm “cổ phiếu vua” vẫn luôn là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư khi liên tục tăng giá tạo những cơn sóng lớn trên thị trường chứng khoán mặc cho giá cổ phiếu ngành khác trồi sụt liên tục.
Tính đến kết thúc phiên giao dịch ngày 27/5, 26 mã cổ phiếu ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đã tăng giá bình quân 17,4% so với cuối tháng 4.
Trong đó, có 25/26 mã tăng giá và chỉ một mã sụt giảm nhẹ 1,3% là cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank. Cụ thể, chốt phiên giao dịch 27/5, cổ phiếu VCB đứng ở mức 98.700 đồng/cp, tương đương giảm 1.300 đồng so với phiên cuối cùng của tháng 4 (29/4). So với đầu năm, cổ phiếu VCB chỉ tăng giá chưa đến 1%, dù vậy vẫn đang là cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất.
Trong khi đó, có hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng trên 25% trong vòng 1 tháng qua, nổi bật là những cổ phiếu của ngân hàng nhỏ tăng giá rất mạnh.
Mã BVB của ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất khi tăng tới 47% lên mức 20.300 đồng/cp. Hiện BVB đang được giao dịch trên sàn UPCoM. Diễn biến giá cổ phiếu này gây chú ý trong 3 phiên liên tiếp 20/5, 21/5, 24/5 khi tăng tổng cộng tới 30% trong đó có 1 phiên tăng trần (21/5).
Ngoài ra, SSB của SeABank tăng tới 38% lên mức 37.050 đồng/cp; SGB của ngân hàng Saigonbank tăng 32,8% lên mức 17.800 đồng/cp.
Cổ phiếu SSB mới chỉ lên sàn HoSE từ 24/3 nhưng đến nay đã tăng gấp hơn 2 lần, cũng là cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Nhiều mã khác tăng trên 25% trong tháng 5 như cổ phiếu TCB của Techcombank tăng 25,4%, cổ phiếu ABB của ABBank tăng 25,7%, cổ phiếu PB của TPBank tăng 28,1%, cổ phiếu VBB của VietBank tăng 29,3%.
Các cổ phiếu của ngân hàng lớn như VPB của VPBank, STB của Sacombank, CTG của VietinBank, MBB của MBBank cũng tăng giá khá mạnh: cổ phiếu VPB tăng 15%, cổ phiếu STB tăng 24,7%, cổ phiếu CTG tăng 23%, cổ phiếu MBB tăng 20,3%
Cổ phiếu ngân hàng đã liên tục hút dòng tiền trong thời gian qua. Tính từ đầu năm đến nay, 26 cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá tới 43,5%; trong đó có 3 mã tăng gấp hơn 2 lần là cổ phiếu SSB tăng 120%, cổ phiếu LPB tăng 111%, cổ phiếu VPB tăng 107%; ngoài ra cóVIB và NVB tăng xấp xỉ 2 lần, tăng 97% và 98%.
Với diễn biến trên, cổ phiếu ngân hàng liệu có còn tăng lại được đặt lên bàn cân. Bởi lẽ, thị trường không chỉ riêng của cổ phiếu ngân hàng, dòng tiền rồi sẽ đến lúc phải luân chuyển sang các cổ phiếu khác.
Tuy nhiên, có một vài lý do khiến cổ ngân hàng chưa thể hết nóng ngay. Điển hình như việc các quỹ đầu tư vẫn gia tăng nắm giữ và kỳ vọng vào một kết quả kinh doanh ngành ngân hàng tốt hơn trong quý 2/2021.
Hay đối với nhà đầu tư cá nhân, họ luôn tin tưởng ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt, là huyết mạch kinh tế chịu sự giám sát chặt chẽ từ phía Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nên cổ phiếu ngân hàng sẽ an toàn hơn các nhóm ngành khác. Đầu tư vào ngân hàng có thể an tâm với mức tăng trưởng đều đặn trong dài hạn, bất chấp khó khăn của nền kinh tế.
Mặt khác, mùa đại hội cổ đông 2021 gần kết thúc nhưng câu chuyện tăng vốn mới chỉ bắt đầu nóng những ngày gần đây, trong đó có ngành ngân hàng. Do tác động pha loãng lợi nhuận là không đáng kể, tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu ngân hàng từ nay đến cuối năm 2021.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, khoảng 16 ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể. Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82.700 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm việc tăng qua chia tách cổ phiếu; phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; phát hành cổ phiếu lựa chọn cho nhân viên (ESOP).
Riêng Techcombank, VPBank, Sacombank không duy trì chính sách trả cổ tức cổ phiếu kể từ 2018, trong khi hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao hơn những năm trước.
Kỹ thuật hơn một chút, Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) nhận định P/E, P/B toàn ngành ngân hàng vẫn còn hấp dẫn khi lần lượt thấp hơn 30% và 16% so với chỉ số VN-Index.
"So với thị trường mới nổi và ASEAN, mức định giá cao hơn hiện tại hoàn toàn phù hợp với hiệu suất sinh lời hấp dẫn và tiềm năng của ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn mặt bằng chung", nhóm nghiên cứu tại IVS đánh giá.
Dù vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng, trong mỗi nhóm ngành đều có cổ phiếu tốt và cổ phiếu không tốt. Với loại cổ phiếu nào đi nữa việc thẩm định kỹ càng là cách phòng ngừa rủi ro tốt nhất. Đặc biệt, với nhà đầu tư đã có lãi, chốt lời chưa bao giờ là sai.