Trong quý IV năm 2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm; các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động, làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý IV…
Trong quý IV năm 2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm; các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động, làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý IV…
Tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, thị trường lao động quý IV năm 2022 tiếp tục phục hồi nhưng chậm dần. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động trong quý IV năm 2022 tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động và tỷ lệ lao động phi chính thức lại tăng lên so với quý trước.
Lực lượng lao động theo quý, giai đoạn 2020 – 2022
Tính chung cả năm, thị trường lao động Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng lên; tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm. Điều này cho thấy dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị nhằm phục hồi kinh tế, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động nói riêng năm 2022 đang từng bước phục hồi.
Số lao động có việc làm quý III và quý IV, giai đoạn 2019-2022
Nhưng đáng chú ý, thông thường, quý IV là quý mà thị trường lao động cần huy động rất nhiều nguồn nhân lực phục vụ các dịp lễ tết cuối năm, do đó số có việc làm thường tăng cao, như trong năm 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19, lao động có việc làm trong quý IV tăng 4,6 nghìn người (tương đương tăng gần 1%).
Tuy nhiên trong quý IV năm 2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước Châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm, cùng với đó lãi suất và tỷ giá tăng vọt khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động, điều này làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý IV năm nay chỉ còn 0,5%.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV năm 2022 là 51,0 triệu người, tăng 239,4 nghìn người so với quý trước và tăng gần 2,0 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,8 triệu người, tương đương với quý trước và tăng 0,9 triệu người so với cùng kỳ năm trước; số có việc làm ở nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 247,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số 23,5 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý IV năm 2022, có 12,5 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15-19 tuổi (6,0 triệu người).
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 30/11/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đã giải ngân khoảng 3,74 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 123 nghìn lượt doanh nghiệp với gần 5,3 triệu lượt lao động.
Tính đến hết quý III năm nay, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi và có nhiều mặt khởi sắc. Với đà phục hồi đó, dự báo tình hình lao động việc làm quý IV và cả năm 2022 sẽ là bức tranh có nhiều mảng sáng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao…, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, đặc biệt là ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử vào thời điểm cuối năm thì đà phục hồi của thị trường lao động đang có xu hướng chậm lại.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý IV năm 2022 là khoảng 898,2 nghìn người, tăng 26,5 nghìn người so với quý trước và giảm 566,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,98%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,39 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,57% và 2,22%).
Mặc dù tình hình thiếu việc làm của người lao động giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên khác với xu hướng các năm trước đây khi chưa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, quý 4 là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động triển khai tăng ca, làm cho tỷ lệ thiếu việc làm của quý 4 thường có xu hướng thấp nhất trong năm thì năm nay, tỷ lệ ở quý này bị đẩy cao hơn so với quý trước.