Theo ước tính sơ bộ của cơ quan thống kê châu Âu, lạm phát của 19 quốc gia thành viên đạt 7,5% trong tháng 4. Vào tháng 3, con số này là 7,4%.
Theo ước tính sơ bộ của cơ quan thống kê châu Âu, lạm phát của 19 quốc gia thành viên đạt 7,5% trong tháng 4. Vào tháng 3, con số này là 7,4%.
Lạm phát trong khu vực đồng Euro đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng thứ sáu liên tiếp, làm dấy lên thêm câu hỏi về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phản ứng như thế nào.
Hôm 28/4, Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Luis de Guindos đã lên tiếng trấn an các nhà lập pháp về việc giá cả tăng và nói rằng, lạm phát của khu vực đồng Euro sắp lên mức đỉnh điểm.
Bên cạnh đó, ECB cũng dự đoán áp lực về giá sẽ sụt giảm trong nửa cuối năm nay mặc dù chi phí năng lượng vẫn được cho là nguyên nhân khiến lạm phát ở mức tương đối cao.
Số liệu về lạm phát mới nhất được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về chiến dịch quân sự đang diễn ra ở Ukraine và tác động kéo theo đến nguồn cung năng lượng của châu Âu.
Giá năng lượng là yếu tố lớn nhất khiến tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 tăng mạnh, dù giảm nhẹ so với tháng trước. Giá năng lượng tại EU tăng 38% trong tháng 4, trong khi tháng 3 tăng 44,4%.
Xem thêm: ECB mong muốn tăng lãi suất và chấm dứt kế hoạch mua trái phiếu
Đầu tuần này, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã "khoá van" dòng chảy khí đốt đến 2 quốc gia thuộc EU vì không đồng ý thanh toán bằng đồng Rúp. Động thái này đã làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung đến các quốc gia khác cũng có thể bị cắt đứt.
Các nhà phân tích tại Gavekal - công ty nghiên cứu tài chính nhận định, nếu Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Đức, tác động đến nền kinh tế sẽ "rất thảm khốc".
Trong khi đó tại Ý, ước tính của Ngân hàng Trung ương chỉ ra rằng, nước này có thể rơi vào tình trạng suy thoái trong năm nay nếu Nga cắt tất cả các nguồn cung cấp năng lượng.
Nhìn chung, EU đang nhận khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Dòng chảy năng lượng giảm sút có thể ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình và các doanh nghiệp phụ thuộc vào năng lượng từ Nga để sản xuất hàng hoá.
Hôm qua (ngày 29/4), Alfred Stern - CEO OMV, một trong những công ty năng lượng lớn nhất châu Âu cho biết, EU gần như không thể tìm ra các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga trong thời gian ngắn hạn.
Ông nói thêm: "Chúng ta nên chỉ rõ rằng, châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn trong ngắn hạn khi không thể tìm nguồn cung khí đốt thay thế cho Nga. Vì vậy, đây có thể là cuộc tranh luận mang tính trung và dài hạn. Nhưng trước mắt, tôi cho rằng EU cần tập trung và đảm bảo rằng các ngành công nghiệp được tiếp tục hoạt động và các hộ gia đình cần được cung cấp khí đốt."
Ngoài ra, số liệu mới công bố cũng cho thấy GDP của EU trong quý I tăng 0,2%. Văn bản thông báo cho biết: "Trong số các quốc gia thành viên công bố số liệu quý I/2022, Bồ Đào Nha có mức tăng cao nhất so với quý trước, đạt 2,6%, tiếp đó là Áo tăng 2,5% và Latvia tăng 2,1%. Trong khi đó, Thụy Điển và Ý lần lượt giảm 0,4% và 0,2%”.
Các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết dù con số trong quý I có vẻ khả quan, nhưng "GDP của khu vực đồng Euro có khả năng sẽ giảm trong quý II do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine; đồng thời, giá năng lượng tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của các hộ gia đình, niềm tin người tiêu dùng và làm căng thẳng thêm các vấn đề về nguồn cung."
Hiện tại, nhà đầu tư đang theo dõi sát sao về phản ứng của ECB. Một số cho rằng ECB sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên vào mùa hè này. Trong một lưu ý mới công bố, Bank of America dự báo ECB sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm nay và thêm 2 lần nữa vào năm 2023.
Xem thêm: ECB giữ nguyên lãi suất bất chấp lạm phát cao kỷ lục