Nga đã thu về được khoảng 62 tỷ Euro từ xuất khẩu dầu, khí đốt và than trong hai tháng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine.
Nga đã thu về được khoảng 62 tỷ Euro từ xuất khẩu dầu, khí đốt và than trong hai tháng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine.
Đã 2 tháng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga, doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga trong 2 tháng vừa qua đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường xuất khẩu chính vẫn là Liên minh châu Âu (EU).
Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), Nga đã thu về được khoảng 62 tỷ Euro từ xuất khẩu dầu, khí đốt và than trong hai tháng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine. Còn về phía EU, khối này đã phải bỏ ra 44 tỷ Euro để mua khí đốt của Nga trong 2 tháng qua.
Nga vẫn đang là quốc gia cung cấp tới 45% lượng khí đốt sang châu Âu. Xuất khẩu có thể giảm do xung đột, nhưng phía Nga lại có thể yêu cầu giá cao hơn cho dầu và khí đốt của mình khiến doanh thu tăng lên bất chấp xung đột và các lệnh trừng phạt. Những con số đã cho thấy việc giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga là một thách thức lớn đối với châu Âu, điển hình là Đức và Italy.
Giáo sư Melinda Crane - chuyên gia phân tích chính trị tại DW cho hay: "Hai tháng sau khi Nga xảy ra xung đột với Ukraine, Đức vẫn đang mua nhiều năng lượng Nga với mức 4,5 tỷ Euro mỗi tháng. Những ngành công nghiệp chủ chốt của Đức rất cần năng lượng và khí đốt. Việc ngưng nhập khẩu khí đốt có thể khiến kinh tế Đức phải trả giá bằng tăng trưởng GDP. Điều này cũng có thể tác động tới các nền kinh tế khác ở châu Âu, vì Đức là đầu tàu kinh tế của cả khối".
Có thể thấy Nga cũng đang tận dụng triệt để thế chủ động của mình trong việc cung cấp khí đốt bằng cách sẵn sàng ngừng xuất khẩu tới các quốc gia không chịu thanh toán bằng đồng Ruble.
Mới đây, quyết định ngừng cung cấp khí đốt của Nga tới Ba Lan và Bulgaria khiến châu Âu "đứng ngồi không yên". Hôm 27/4, Bloomberg đưa tin ít nhất 10 nước châu Âu đã mở tài khoản để trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Ruble, 4 trong số đó đã bắt đầu thanh toán theo đề xuất của Nga.
Tuy vậy, lợi thế về khí đốt của Nga có thể sẽ giảm đi khi đã bắt đầu những tháng hè nóng nực tại châu Âu.
"Ngoài Nga, châu Âu vẫn tiếp nhận khí đốt từ Algeria, Na Uy. Nhu cầu về khí đốt trên khắp châu Âu đang giảm mạnh do thời tiết ấm áp lên. Các thành viên EU sẽ có khoảng 6 tháng để chuẩn bị dự trữ khí đốt trước khi mùa lạnh về", ông Michael Stoppard - chuyên gia chiến lược khí đốt toàn cầu cho hay.
Ngoài khí đốt, nhiều khía cạnh khác của kinh tế Nga cũng đang gặp thách thức đến từ các lệnh trừng phạt. Ngày 28/4, Trưởng phòng Kiểm toán Liên bang Nga Alexei Kudrin cho biết, GDP của Nga dự báo sẽ giảm 8,8% vào năm 2022 trong bối cảnh xung đột vẫn chưa có hồi kết.