Chỉ trong 6 phiên đầu tháng 7, khối lượng mua ròng của khối ngoại đối với cổ phiếu STB đã vượt con số của cả tháng 6 trước đó.
Chỉ trong 6 phiên đầu tháng 7, khối lượng mua ròng của khối ngoại đối với cổ phiếu STB đã vượt con số của cả tháng 6 trước đó.
Trong phiên giao dịch 8/7, thị trường ghi nhận lượng mua ròng đến từ các nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu ngân hàng TMCP Sacombank (mã chứng khoán: STB). Cụ thể, hơn 1,5 triệu cổ phiếu STB được mua ròng với giá trị đạt hơn 42,7 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, dòng tiền của khối ngoại đã rót vào cổ phiếu STB, chỉ duy nhất bán ròng nhẹ ở phiên 6/7 với lượng gần 530 nghìn cổ phiếu. Lũy kế từ đầu tháng 7 tới nay, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng hơn 13 triệu cổ phiếu STB với giá trị ghi nhận hơn 368 tỷ đồng.
Chỉ trong 6 phiên đầu tháng, lượng mua ròng của khối ngoại đối với cổ phiếu STB đã vượt mức rót ròng trong cả tháng 6 trước đó. Được biết, trong tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 11 triệu cổ phiếu với giá trị xấp xỉ 379 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu vua, STB đang dẫn đầu trong danh mục cổ phiếu hút vốn ngoại mạnh nhất, trong khi các mã cổ phiếu CTG hay VPB đang bị nhà đầu tư nước ngoài xả ròng không thương tiếc.
Thông tin liên quan, mới đây STB vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 81,5 triệu cổ phiếu quỹ, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7-30/7 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Mục đích bán cổ phiếu quỹ nhằm thực hiện theo đề án tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt đồng thời để tăng nguồn vốn tự có và bổ sung nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng.
Trên thị trường chứng khoán, sau thời điểm tăng trần vào cuối tháng 5, thị giá STB đã quay đầu giảm điểm và mức tăng trưởng chững lại với hàng loạt nhịp điều chỉnh nhẹ trong cả tháng 6. Bước sang tháng 7, cổ phiếu STB trở lại đà tăng điểm, chốt phiên 8/7 đạt 30.200 đồng/đơn vị, thanh khoản tốt với trung bình hơn 32 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Có nhiều lý do để giải thích tình trạng khối ngoại chấm dứt chuỗi ngày miệt mài bán ròng quay đầu mua mạnh, trong đó định giá thị trường Việt Nam được đánh giá hấp dẫn so với nhiều thị trường trong khu vực.
Theo thống kê của VnDirect, tại ngày 21/06/2021, chỉ số Vn-Index đang được giao dịch tại mức P/E 18,8 lần, nhỉnh hơn so với mức P/E bình quân 5 năm là 16,5 lần, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức P/E 22,0 lần tại đỉnh năm 2018. Nhờ xu hướng tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh mẽ của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021, mức P/E dự phóng 2021 của chỉ số Vn-Index hiện ở mức 16,5 lần, là mức tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung của khu vực.
Xét trên góc độ tăng trưởng lợi nhuận và định giá thị trường, Việt Nam, Singapore và Indonesia nổi lên là những thị trường có định giá hấp dẫn xét trên triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2023.