Hà Nội cho biết đang "gặp bài toán hết sức khó khăn với Thủ đô trước yêu cầu đảm bảo đồng thời tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng giáo dục (đảm bảo có học sinh có giáo viên đứng lớp).
Hà Nội cho biết đang "gặp bài toán hết sức khó khăn với Thủ đô trước yêu cầu đảm bảo đồng thời tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng giáo dục (đảm bảo có học sinh có giáo viên đứng lớp).
Báo cáo tham luận tại Hội nghị tổng kết của Bộ Nội vụ ngày 12/1 cho biết, Hà Nội hiện đã sắp xếp giảm 280/2.780 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (tỷ lệ 10,1%); giảm 280 cấp trưởng, 560 cấp phó.
Tổng cộng, Hà Nội giảm 840 người làm việc tại các vị trí việc làm dùng chung và vị trí việc làm chuyên môn cần tinh gọn; nhiều trụ sở sau sắp xếp được thu hồi và có phương án sử dụng hiệu quả hơn.
Cùng với đó, nhiều cách làm hay được Trung ương ghi nhận và cụ thể hóa tại Nghị quyết số 19-NQ/TW như: sáp nhập 03 đơn vị Trung tâm văn hóa, Trung tâm thể thao, Đài truyền thanh cấp huyện; sáp nhập 02 đơn vị Trung tâm Y tế và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp huyện; sáp nhập 02 đơn vị Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện và giao UBND cấp huyện quản lý.
Năm 2021, Hà Nội tiếp tục xem xét các nội dung sắp xếp đơn vị sự nghiệp có tính chất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng lớn như: sắp xếp 05 Ban QLDA ĐTXD cấp Thành phố sau 04 năm tổ chức lại từ 26 Ban QLDA; sắp xếp 21 trường cao đẳng, trung cấp; Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội thuộc Sở TN&MT có chi nhánh tại 30 QHTX và nhiều thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; các trạm thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông gắn trên địa bàn cấp huyện.
“Yêu cầu giảm 12.890 biên chế giai đoạn 2016-2021, mỗi năm giảm 3.692 biên chế/năm là một áp lực lớn với Thủ đô, tuy nhiên nhiều bằng nhiều giải pháp, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu.” – báo cáo tham luận của Hà Nội nêu.
Hà Nội cho biết đã đặc biệt chú trọng khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Kết quả đến năm 2021, toàn Thành phố có 581 đơn vị sự nghiệp giáo dục ngoài công lập (tỷ lệ 20,6%) với 32.958 giáo viên (chiếm tỷ lệ 26%).
Tuy nhiên, theo tham luận của Hà Nội, Thành phố có quy mô đơn vị sự nghiệp lĩnh vực giáo dục lớn, hiện có 2.231 đơn vị sự nghiệp giáo dục/2.483 đơn vị sự nghiệp (tỷ lệ 90%) với 99.444 biên chế (chiếm 86% biên chế sự nghiệp Bộ Nội vụ giao năm 2021).
Biên chế viên chức giáo viên theo định mức còn thiếu 7.134 chưa được bổ sung; nhu cầu tăng trường, tăng lớp, tăng biên chế do dân số và học sinh vẫn tăng theo tốc độ đô thị hóa; tự chủ lĩnh vực giáo dục khó khăn; đã và đang đặt ra bài toán hết sức khó khăn với Thủ đô trước yêu cầu đảm bảo đồng thời tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng giáo dục (đảm bảo có học sinh có giáo viên đứng lớp).
Để triển khai có hiệu quả việc tiếp tục tinh giản biên chế sự nghiệp tối thiểu 10% nhiệm kỳ 2021 - 2025, Hà Nội đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có giải pháp giải quyết kịp thời đối với các tồn tại lĩnh vực giáo dục, xác định rõ lại tỷ lệ định mức biên chế, chương trình học theo định mức mới, quan điểm về tự chủ đối với cơ sở giáo dục các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để các địa phương có cơ sở thực hiện.
“Các chủ trương của Trung ương thì đã rất rõ, nhưng khi các cơ chế chính sách chưa được ban hành kịp thời mà vẫn giảm biên chế cơ học là chưa phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động” - Tham luận của Thành phố Hà Nội nêu rõ.