Sở GTVT Hà Nội sẽ xem xét xây dựng quy trình để cấp mã thẻ nhận diện cho các phương tiện shipper hoạt động.
Sở GTVT Hà Nội sẽ xem xét xây dựng quy trình để cấp mã thẻ nhận diện cho các phương tiện shipper hoạt động.
Ngày 24/7, TP. Hà Nội chính thức bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày để phòng chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có dừng hoạt động của shipper giao hàng, bao gồm: xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và "xe ôm" kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper).
Tuy nhiên, để đảm bảo lưu thông cung ứng hàng hoá tiêu dùng cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội, Sở GTVT Hà Nội đang có những phương án xem xét cho lực lượng này được hoạt động trở lại.
Sở GTVT Hà Nội sẽ xem xét xây dựng quy trình để cấp mã thẻ nhận diện cho các phương tiện shipper hoạt động theo danh sách đề nghị của Sở Công Thương. Theo chia sẻ từ phía Sở Công Thương Hà Nội, đến thời điểm này đã có khoảng hơn 1.100 đối tác tài xế 2 bánh của các sàn thương mại điện tử nộp thông tin đăng ký.
Theo ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, trên hệ thống đăng ký "luồng xanh" của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa có mục cấp thẻ nhận diện cho xe 2 bánh phục vụ việc shipper vận chuyển hàng hoá trong địa bàn nội đô phục vụ các siêu thị và bưu chính viễn thông.
"Vì vậy, các siêu thị, đại lý bưu chính viễn thông sẽ phải có danh sách tổng hợp danh tính tài xế, phương tiện phục vụ việc shipper gửi cho Sở GTVT để cấp mã xác nhận online qua số điện thoại của shipper. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, shipper sẽ trình mã xác nhận này để kiểm tra", ông Long thông tin.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn không hạn chế số lượng tài xế đăng ký. Tất cả các shipper phương tiện 2 bánh của sàn thương mại điện tử đều được đăng ký thông qua doanh nghiệp, không giới hạn số lượng. Nếu chúng tôi kiểm tra rà soát có sai phạm thì doanh nghiệp sẽ chịu hoàn toàn về độ xác thực của thông tin tài xế trước pháp luật và phải đảm bảo các phương pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh".
Các doanh nghiệp như Grab, Gojek cũng kiến nghị được cho phép hoạt động trở lại các dịch vụ giao hàng hoá và cam kết quản lý, định danh từng tài xế.
Ông Đặng Hoàng Linh, Giám đốc Chính sách công & Quan hệ Chính phủ, Gojek Việt Nam cho hay: "Chúng tôi đề xuất cho các shipper được hoạt động vì nhu cầu cấp bách. Hàng ngày tài xế phải tiến hành đăng nhập, đầy đủ họ tên hình chụp mặt của tài xế, trên đấy cũng tôi cũng cung cấp giấy thông hành đầy đủ chi tiết liên quan đến chứng minh thư của tài xế để xác minh, cơ quan chính quyền có thể kiểm tra thông tin có chính xác như trên ứng dụng hay không, xây dựng mã QR cho từng tài xế".
Theo đại diện Sở Công Thương, hoạt động mua bán online và đặc biệt là sàn thương mại điện tử hiện nay chiếm 7 - 8% doanh thu hoạt động kinh doanh bán lẻ trên địa bàn, tuy không quá lớn nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối hàng hoá bên cạnh các kênh truyền thống, nhất là trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc như hiện nay.
Dự kiến, sau khi Sở Công Thương thống kê số lượng shipper đăng ký thì sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất.