Theo UBND TP Hà Nội, đấu giá quyền sử dụng đất đang gặp nhiều khó khăn, một số quận huyện báo cáo dự kiến hụt thu ngân sách mỗi quận hàng trăm tỷ đồng sẽ ảnh hưởng đế kế hoạch vốn và đầu tư công năm 2022.
Theo UBND TP Hà Nội, đấu giá quyền sử dụng đất đang gặp nhiều khó khăn, một số quận huyện báo cáo dự kiến hụt thu ngân sách mỗi quận hàng trăm tỷ đồng sẽ ảnh hưởng đế kế hoạch vốn và đầu tư công năm 2022.
Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển năm 2023, Ban Kinh tế - Ngân sách nhấn mạnh, các nguyên nhân chủ yếu nêu trong báo cáo là các nguyên nhân đã tồn tại trong nhiều năm chưa khắc phục.
“Đề nghị UBND TP tiếp tục làm rõ, phân tích sâu hơn nguyên nhân của việc thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch để có các biện pháp cụ thể khắc phục trong những tháng cuối năm cũng như năm 2023 như: nguyên nhân của một số khoản thu không đạt dự toán, đặc biệt là các khoản thu về đất; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm,…
Ban Kinh tế - Ngân sách cũng nhấn mạnh, bổ sung thêm một số hạn chế như: Việc phát huy lợi thế, tiềm năng, huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương còn chưa đạt yêu cầu, nhất là trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ;
Việc thực hiện các chính sách theo Nghị quyết của HĐND TP còn chậm, gặp khó khăn nhưng chậm tổng kết, đề xuất điều chỉnh, bổ sung như: Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp; di dời các cơ sở ô nhiễm…;
Việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chậm so với kế hoạch;
Việc triển khai Nghị quyết của HĐND Thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư ngoài ngân sách có sự dụng đất có chuyển biến song còn chậm; công tác quản lý nhà nước về nhà, đất là tài sản công của Thành phố còn nhiều hạn chế, bất cập…
Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị UBND Thành phố làm rõ nguyên nhân công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khai thác cát sỏi, bến bãi trung chuyển vật liệu còn nhiều bất cập, chưa được chỉ đạo quyết liệt, giải quyết dứt điểm các tồn tại mà HĐND Thành phố đã kiến nghị.
Quyết liệt xử nghiêm các sai phạm về đất đai
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị Thành phố tiếp tục, quyết liệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công; kiên quyết thu hồi các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai nhiều năm, vi phạm Luật Đất đai; khẩn trương rà soát, có phương án xử lý, sử dụng các tài sản công là nhà, đất có sai phạm, chưa sử dụng để phát huy nguồn lực từ các tài sản này.
Đồng thời tập trung đẩy nhanh việc rà soát, lập kế hoạch và di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm không phù hợp ra khỏi khu vực nội thành; có các giải pháp cụ thể để tăng cường công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Dự báo hụt thu hàng nghìn tỷ đồng
Giải trình về nguyên nhân của một số khoản thu không đạt dự toán, đặc biệt là các khoản thu về đất, UBND Thành phố cho biết, công tác thực hiện dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2022 gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách tài chính đất đai còn vướng mắc, bất cập và bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh; thị trường BĐS có xu hướng trầm lắng. Nguồn thu từ dự án năm 2022 chủ yếu là các dự án đã được giao đất từ nhiều năm nhưng còn vướng mắc về quy hoạch, xây dựng, đầu tư, GPMB, giao đất, xác định giá đất…
“Các vướng mắc này liên quan đến nhiều chính sách pháp luật chuyên ngành, cần nhiều thời gian rà soát, xác định, UBND TP cũng đã có các văn bản báo cáo, đề xuất Chính phủ về cơ chế xác định giá đất cụ thể theo phương pháp hệ số, hiện nay các Bộ ngành đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất, sửa đổi Luật Đất đai”…; UBND TP giải trình.
UBND TP cũng cho biết, mặc dù cơ quan thuế đã tích cực phối hợp với Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cũng tích cực tham mưu với TP nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan nên kết quả thu về nhà, đất vẫn rất hạn chế. Khoản thu tiền cho thuê và bán nhà thuộc sở hữu nhà nước chủ yếu do nguồn tiền cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước cơ bản không tăng trưởng, còn tiền bán nhà thì phát sinh ít do Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở trong năm qua chưa tiếp nhận quỹ nhà mới nào từ chủ đầu tư; người dân có xu hướng mua nhà ở thương mại hơn nhà ở xã hội;
Cùng với đó, theo UBND TP, thu phí, lệ phí chủ yếu do một số khoản phí Trung ương lớn mặc dù có tăng trưởng nhưng chưa đạt dự toán Trung ương giao; thu từ xổ số kết thiết chủ yếu do từ sau dịch COVID-19 nhiều đại lý ngừng nghỉ kinh doanh, người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu các mặt hàng này nên doanh thu, số thuế phát sinh giảm.
Cũng theo báo cáo giải trình của UBND TP, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, gồm cả các dự án cấp Thành phố và các dự án cấp huyện đều chưa đảm bảo tiến độ, chậm có dự án đủ điều kiện bố trí vốn, khả năng hấp thụ vốn, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân.
Đặc biệt, theo UBND Thành phố, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trong năm qua còn khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn thu dự toán được HĐND TP và HĐND cấp huyện giao. “Một số đơn vị báo cáo dự kiến có khả năng hụt thu ngân sách nhà nước từ nguồn thu tiền đất như: Gia Lâm hụt thu 562,5 tỷ đồng; Cầu Giấy hụt thu 570 tỷ đồng; Bắc Từ Liêm hụt thu 299 tỷ đồng; Thanh trì hụt thu 209 tỷ đồng; Hà Đông hụt thu 200 tỷ đồng; Thanh Xuân hụt thu 197 tỷ đồng… sẽ ảnh hưởng đế kế hoạch vốn và đầu tư công năm 2022.