Goldman Sachs dự kiến nhu cầu dầu trung bình trên toàn cầu sẽ đạt mức kỷ lục trong hai năm tới do nhu cầu về hàng không và vận tải, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng gia tăng.
Goldman Sachs dự kiến nhu cầu dầu trung bình trên toàn cầu sẽ đạt mức kỷ lục trong hai năm tới do nhu cầu về hàng không và vận tải, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng gia tăng.
Dự báo này của nhà băng hàng đầu nước Mỹ đưa ra trong bối cảnh giới đầu tư bi quan về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu khi biến chủng Omicron của Covid-19 gây ra một làn sóng lây nhiễm mới trên phạm vi toàn cầu.
Trong một cuộc trao đổi với báo giới hôm thứ Sáu, ông Damien Courvalin – Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường năng lượng của Goldman Sachs – còn cho rằng giá “vàng đen” hoàn toàn có thể tăng lên mức 100 USD/thùng.
Damien Courvalin nói: “Chúng ta đã có nhu cầu cao kỷ lục trước khi biến chủng mới này nổi lên, và nhu cầu xăng máy bay sẽ tiếp tục tăng, nền kinh tế toàn cầu cũng tiếp tục tăng trưởng. Rồi các bạn sẽ thấy nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu bình quân hàng ngày trong năm 2022 sẽ lập kỷ lục mới. Năm 2023 cũng vậy”.
Goldman nhận thấy nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng ổn định cho đến cuối thập kỷ này lên khoảng 106 triệu thùng/ngày.
Courvalin cho biết ô tô điện sẽ làm giảm nhu cầu xăng dầu, nhưng xe tải và máy bay vẫn còn rất lâu nữa mới có thể khử cacbon.
"Thị trường đang bán gần 6 triệu EV (xe điện) mỗi năm. Con số đó vẫn chưa đến 100.000 thùng mỗi ngày so với nhu cầu tiêu thụ trên thị trường 100 triệu thùng mỗi ngày, nên nó vẫn chỉ là một mảng nhỏ".
Đối với nhiên liệu điện, nhiệt độ ôn hòa trong mùa đông năm nay và sự gia tăng sản lượng than tại nhà sản xuất và tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc đã giới hạn giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở châu Á, Courvalin cho biết.
Mấy tháng gần đây, cả giá dầu Brent giao sau tại London và giá dầu WTI giao sau tại New York đều vượt ngưỡng 80 USD/thùng, khi nhu cầu tiêu thụ dầu sau đại dịch vượt qua nguồn cung. Giá khí đốt cũng tăng mạnh, gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở châu Âu.
Tuy nhiên, biến chủng Omicron đã khiến tâm trạng của nhà đầu tư dầu giảm sút, kéo giá dầu tụt về ngưỡng 70 USD/thùng.
Courvalin dự báo những hạn chế gây thiệt hại cho ngành hàng không sẽ dần được nới lỏng. Đến nay, nhu cầu đi lại bằng máy bay trên toàn cầu phục hồi chậm, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Cho đến gần đây, những nước như Australia, New Zealand và Singapore rất kiên quyết trong việc hạn chế nhập cảnh. Nhưng các hạn chế này đang được nới dần”, ông nói.
“Chúng ta sẽ phải chờ cho tới khi làn sóng dịch bệnh này qua đi, nhưng thực tế cho thấy hoạt động đi lại giữa các quốc gia sẽ tiếp tục phục hồi trong năm tới”, Courvalin lạc quan và dự báo giá dầu sẽ đạt 85 USD/thùng trong năm 2022, với khả năng tiếp tục tăng thêm 5-10 USD/thùng nữa.
Courvalin cho biết, không loại trừ khả năng giá dầu có thể lên 100 USD/thùng, và cho rằng có hai hướng đi có thể dẫn tới mức giá như vậy.
Hướng thứ nhất là chi phí gia tăng khi các công ty dầu khí đẩy mạnh việc khai thác. Lạm phát ở khắp mọi nơi trong nền kinh tế, và ngành dầu khí cũng không tránh được sự leo thang của chi phí.
Hướng thứ hai là nguồn cung dầu không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thế giới khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch.
Courvalin cho rằng giá dầu có thể tăng cao tới 110 USD/thùng, nhưng ở mức giá như vậy, nhu cầu tiêu thụ sẽ sụt mạnh. Điều này “là hoàn toàn hiểu được”.
Khi giá dầu tăng cao gần đây, một số nhà đầu tư đã lo ngại mức giá dầu như vậy có thể dẫn tới hiện tượng “demand destruction” – được hiểu là nhu cầu sụt mạnh trong một khoảng thời gian ngắn do giá dầu tăng cao kéo dài. Tuy nhiên, ngay khi biến chủng Omicron xuất hiện, giá dầu đã tự khắc xuống thang nhanh.
OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga, cho biết có thể điều chỉnh sản lượng bất kỳ lúc nào nếu triển vọng tiêu thụ dầu có sự biến động lớn. Kế hoạch hiện tại của OPEC+ là tiếp tục tăng sản lượng khai thác dầu thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 1.