JPMorgan vừa đưa ra nhận định rằng giá dầu thế giới có thể tăng tới 150 USD/thùng khi OPEC+ sẽ kiểm soát nguồn cung trước những lo ngại về biến thể Omicron.
JPMorgan vừa đưa ra nhận định rằng giá dầu thế giới có thể tăng tới 150 USD/thùng khi OPEC+ sẽ kiểm soát nguồn cung trước những lo ngại về biến thể Omicron.
JPMorgan cho rằng, xu hướng tăng của giá dầu sẽ được duy trì và giá có thể đạt 150 USD/thùng vào năm 2023 khi OPEC+ kiểm soát nguồn cung để bảo vệ giá dầu ở mức cao hơn.
Điều đó có nghĩa chính sách xả kho dầu dự trữ chiến lược của chính quyền ông Biden sẽ ít có tác động đến giá dầu. Thực tế, tuần trước giá dầu vẫn tăng mạnh bất chấp Mỹ tuyên bố đưa 50 triệu thùng dầu vào thị trường.
Động lực chính thúc đẩy giá dầu vẫn là cung và cầu. Và trong khi biến thể Omicron khiến cho thị trường dầu lao dốc do lo ngại các biện pháp hạn chế đi lại sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu thì JPMorgan lại cho rằng phản ứng này hơi thái quá.
"Chúng tôi cho rằng thị trường đang đánh giá quá cao về những tác động của biến thể Omicron đối với giá dầu trong kỳ nghỉ lễ của Mỹ", JPMorgan cho biết và nói thêm sẽ có rất ít hoặc thậm chí không có tác động gì đối với kỳ nghỉ này ngay cả khi biến thể Omicron lan rộng.
Với việc nhu cầu dầu có khả năng vẫn ổn định thì nguồn cung sẽ là động lực chính tác động đến giá dầu trong nhiều năm tới. Và việc OPEC+ nắm chắc vai trò điều tiết giá dầu, JPMorgan cho rằng giá dầu Brent có thể sẽ đạt 120 USD/thùng trong năm 2022 và thậm chí vọt lên mức 150 USD/thùng trong năm 2023.
"Chúng tôi tin rằng OPEC+ sẽ bảo vệ giá dầu bằng cách tăng cung nhỏ giọt để giữ tồn kho ở mức thấp, cân bằng thị trường và quản lý tốt nguồn dự trữ", JPMorgan lý giải.
Nguồn cung tăng từ các nhà sản xuất dầu tại Mỹ có thể sẽ gây áp lực khiến giá dầu giảm. Nhưng số lượng giàn khoan dầu của Mỹ hiện chỉ bằng một nửa so với năm 2019 và các khoản đầu tư vào lĩnh vực này đã chậm lại kể từ khi giá dầu về âm trong bối cảnh đại dịch bùng phát năm 2020.
Đó là lý do khiến giá dầu vẫn tiếp tục tăng, ít nhất là cho đến khi Mỹ khôi phục được sản lượng như trước đại dịch.