Saudi Arabia cho rằng sản lượng dầu lửa toàn cầu từ nay đến cuối thập kỷ có thể giảm tới 30% do đầu tư vào khai thác năng lượng hoá thạch giảm xuống.
Saudi Arabia cho rằng sản lượng dầu lửa toàn cầu từ nay đến cuối thập kỷ có thể giảm tới 30% do đầu tư vào khai thác năng lượng hoá thạch giảm xuống.
“Chúng ta đang tiến tới một thời kỳ nguy hiểm nếu không đủ đầu tư vào năng lượng”, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman phát biểu ở Riyadh. Ông Abdulaziz nói hệ quả của việc này có thể là một cuộc "khủng hoảng năng lượng”.
Theo Bloomberg, từ nay đến năm 2030, sản lượng khai thác dầu mỏ của thế giới hàng ngày có thể giảm 30 triệu thùng. Ông kêu gọi các công ty năng lượng và nhà đầu tư bỏ qua “những thông điệp đáng sợ” về dầu thô và khí đốt tự nhiên, và thay vào đó hãy tiếp tục rót tiền vào các dự án khai thác năng lượng hoá thạch để tránh xảy ra khủng hoảng năng lượng.
Lời cảnh báo của ông Abdulaziz được đưa ra không lâu khi khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Saudi Arabia có một phát biểu tương tự.
Quan điểm của hai vị quan chức Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, trái ngược với những gì mà các nhà hoạt động môi trường vẫn nói về sự ấm lên của Trái Đất. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đơn vị tư vấn cho các nước giàu về vấn đề năng lượng, đã kêu gọi dừng đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng hoá thạch nếu thế giới muốn đạt trung tính về khí thải carbon vào năm 2050.
Saudi Arabia là một trong số ít quốc gia vẫn chi hàng tỷ USD vào việc phát triển sản xuất dầu lửa. Nước vùng Vịnh này đang nỗ lực tăng sản lượng khai thác dầu từ mức 12 triệu thùng/ngày hiện nay lên mức 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027.
Theo Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Riyadh, đầu tư toàn cầu vào các dự án dầu khí đã giảm 30% trong năm 2020, còn 309 tỷ USD, và mới chỉ phục hồi nhẹ trong năm nay.