Giá dầu đạt đỉnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư nhờ triển vọng tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ ổn định sau dịch.
Giá dầu đạt đỉnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư nhờ triển vọng tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ ổn định sau dịch.
Nhờ triển vọng tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong nửa sau của năm nay và dữ liệu cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm đã giúp giá dầu đạt đỉnh và đạt mức cao kỷ lục vào phiên giao dịch ngày 12/5.
Trong một báo cáo hàng tháng, IEA cho biết, tình trạng thừa dầu trên toàn cầu trong thời gian đại dịch là nhân tố khiến các nước sản xuất dầu phải cắt giảm sản lượng thì giờ đây đã không còn. Nhờ đó, lượng dầu tồn kho toàn cầu đã trở về mức bình thường.
Cũng trong báo cáo này, IEA cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong cả năm 2021 với lý do nhu cầu yếu hơn dự báo trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, cơ quan này giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong nửa cuối năm, và nhận định đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ gần như quay trở lại mức trước đại dịch.
Trước đó, một báo cáo hàng tháng từ OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2021, mặc những lo ngại về tình hình đại dịch Covid-19 căng thẳng ở Ấn Độ. OPEC cho biết, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 5,95 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2021 so với năm ngoái, tương đương tăng 6,6%, lên mức 96,46 triệu thùng mỗi ngày.
Trao đổi với trang MarketWatch, ông Manish Raj, Giám đốc tài chính của Valendra Energy cho biết, tâm trạng của các nhà đầu tư dầu đã được củng cố bởi báo cáo rất tích cực từ IEA, báo cáo cho thấy triển vọng nhu cầu mạnh mẽ ở tất cả các nước tiêu thụ dầu lớn gồm Trung Quốc và Mỹ. Bức tranh nhu cầu dầu của Mỹ trông thực sự mạnh mẽ, với hoạt động đi lại đường bộ gia tăng, số lượt đặt phòng khách sạn và vé máy bay đều khởi sắc trước mùa hè.
Một báo cáo khác từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, trong vòng 4 tuần qua, lượng tiêu thụ xăng ô tô ở Mỹ đạt bình quân 8,9 triệu thùng tương đương dầu mỗi ngày, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh đó, giá dầu thô WTI giao tháng 6 tại New York chốt phiên giao dịch ngày 12/5 với mức tăng 0,8 USD mỗi thùng, tương đương tăng 1,2%, đạt 66,08 USD mỗi thùng. Đây là mức giá cao nhất của dầu thô WTI kể từ tháng 3/2021, theo dữ liệu của Dow Jones.
Trên phương diện kỹ thuật, giá dầu thô WTI gặp ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng ở 67 USD mỗi thùng. Việc giá dầu đóng cửa trên ngưỡng này sẽ là một tín hiệu giá lên quan trọng, mở đường cho giá dầu tăng lên vùng đỉnh của năm 2018 ở 75 USD mỗi thùng, theo nhà quản lý danh mục Dan Russia thuộc Potomac Fund Management.
Giá dầu thô Brent giao tháng 7 tại thị trường London tăng 0,77 USD mỗi thùng, tương đương tăng 1,1%, đạt 69,32 USD mỗi thùng, cũng là mức đóng cửa cao nhất từ tháng 3/2021. Theo báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ, tồn kho dầu thô của nước này giảm 400.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 7/7.
Giá bán lẻ xăng bình quân ở Mỹ vào hôm 12/5 đã tăng lên mức 3,015 USD/gallon, từ mức 2,945 USD/gallon cách đây 1 tuần. Đây được cho là lần đầu tiên giá xăng ở Mỹ vượt ngưỡng 3 USD/gallon kể từ năm 2014, theo GasBuddy.
Ngoài nhu cầu tăng, giá xăng ở Mỹ còn tăng do việc đường ống dẫn xăng dầu Colonial Pipeline bị ngừng hoạt động sau một vụ tấn công mạng. Đường ống này vận chuyển 45% lượng xăng dầu mà khu vực bờ Đông của nước Mỹ sử dụng.
Giá dầu đã tăng khoảng 35% từ đầu năm đến nay và tăng khoảng 134% trong vòng 1 năm qua, theo dữ liệu từ Trading View.
OPEC dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5,5% trong năm 2021, tăng từ mức 5,4% đưa ra trong lần dự báo tháng trước. OPEC tin rằng ảnh hưởng của đại dịch sẽ “hầu hết được kiểm soát” bắt đầu từ quý 3 trở đi. “Sự phục hồi sẽ diễn ra chủ yếu trong nửa cuối năm”, OPEC nhận định.
OPEC dự báo, nhu cầu của thế giới đối với dầu OPEC sẽ đạt 27,7 triệu thùng/ngày trong năm nay, tăng 200.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra vào tháng trước. Điều này cho phép OPEC tăng sản lượng trong 2021.