Tài sản của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã giảm hơn 6 tỷ USD chỉ trong vài giờ sau khi Facebook ngừng hoạt động trên toàn thế giới vào ngày 4/10.
Tài sản của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã giảm hơn 6 tỷ USD chỉ trong vài giờ sau khi Facebook ngừng hoạt động trên toàn thế giới vào ngày 4/10.
Theo Bloomberg, đêm qua 4/10 theo giờ Việt Nam, các dịch vụ của Facebook trên phạm vi toàn cầu bao gồm trang chủ Facebook, ứng dụng Messenger, Instagram và Whatsapp đều không thể truy cập.
Tình trạng trên kéo dài khoảng 6 giờ đồng hồ cho đến sáng nay, Facebook và các ứng dụng này mới có thể truy cập trở lại.
Chuyên trang theo dõi sự cố mạng toàn cầu DownDetector cho biết, các dịch vụ của Facebook ghi nhận sự cố toàn cầu với hơn 82.000 báo cáo lỗi trên trang chủ, 76.000 báo cáo lỗi trên Instagram.
Sự cố này khiến giá cổ phiếu Facebook lao dốc 4,9% sau khi đã giảm khoảng 15% kể từ giữa tháng 9. Phiên giảm điểm ngày 4/10 khiến tài sản của Zuckerberg giảm hơn 6 tỷ USD xuống còn 126,6 tỷ USD, khiến ông chủ Facebook tụt xuống hạng thứ 5 (sau tỷ phú Bill Gates) trong bảng xếp hạng của Bloomberg. Chỉ vài tuần trở lại đây, tài sản của Zuckerberg giảm gần 20 tỷ USD.
Facebook đã viết trên Twitter ngay sau sự cố để thông báo rằng họ đã biết về vụ việc. Theo các chuyên gia bảo mật, nguyên nhân các nền tảng, ứng dụng của Facebook sập toàn cầu có thẻ là do vấn đề trong hệ thống tên miền của công ty.
Trước khi toàn bộ nền tảng gặp lỗi, cổ phiếu Facebook đã liên tục giảm do bê bối về loạt thông tin bí mật.
Trước đó, vào ngày 3/9, báo Wall Street Journal bắt đầu tiết lộ một loạt câu chuyện dựa vào các tài liệu nội bộ của Facebook. Các tài liệu này cho thấy, Facebook biết rằng sản phẩm của họ có nhiều vấn đề, ví dụ như Instagram ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm sinh lý của trẻ vị thành niên, hay Facebook trở thành nền tảng để lan truyền thông tin sai lệch về vụ bạo loạn ngày 6/1 ở trụ sở quốc hội Mỹ.
Các báo cáo đã thu hút sự chú ý của quan chức chính phủ. Đến ngày 4/10, “người thổi còi” đã tiết lộ danh tính là Frances Haugen, nhà khoa học dữ liệu từng làm việc cho Facebook. Bà cáo buộc công ty lừa dối nhà đầu tư về cách đối phó ngôn từ kích động thù địch và tin giả.
Haugen cho biết, có nhiều tài liệu cho thấy, Facebook biết rõ nền tảng của họ được dùng để phát tán sự thù ghét, bạo lực và thông tin sai lệch, song họ đã cố gắng che giấu các bằng chứng. Facebook liên tục ưu tiên tương tác người dùng bất kể là tốt hay xấu, điều này giúp mang về lợi nhuận lớn hơn cho tập đoàn này.
"Những gì tôi thấy ở Facebook hết lần này đến lần khác đó là sự xung đột lợi ích giữa cái có lợi cho người dùng và cái có lợi cho Facebook. Và Facebook hết lần này đến lần khác lựa chọn tối đa lợi ích cho mình... Tôi từng chứng kiến nhiều mạng xã hội nhưng những gì ở Facebook tồi tệ hơn những gì tôi thấy trước kia", Haugen cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn CBS.
Haugen, 37 tuổi, bắt đầu làm việc cho Facebook từ năm 2019 sau khi đã đầu quân cho các hãng công nghệ khác như Google, Pinterest. Sau khi phát hiện những vấn đề trong các dịch vụ của Facebook, Haugen quyết định rời bỏ công ty vào đầu năm nay.
Dự kiến, “người thổi còi” này sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày 5/10 (giờ địa phương) để đưa ra các cáo buộc.