Trả lời tại buổi họp báo cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vào chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận dự án chậm trễ do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Là dự án đường sắt đô thị đầu tiên, dự án thí điểm và kéo dài nên sẽ không lường trước được những phát sinh.
"Tiêu chuẩn của Việt Nam về đường sắt đô thị về cơ bản chúng ta chưa có, Bộ Giao thông Vận tải mới ban hành một số tiêu chuẩn về quản lý khai thác, còn thiếu tiêu chuẩn về thiết kế, đặc biệt liên quan đến thiết bị," Thứ trưởng Đông nói.
Cũng theo ông Đông, do hệ thống quy định pháp luật của nước ta với các dự án theo hợp đồng trọn gói (EPC) chưa có, chưa đồng bộ. Vì thế, trong quá trình thực hiện phải tiếp cận và cập nhật thêm. Đây là bài học rút ra để sau này thực hiện các dự án tương tự sẽ đồng bộ, nhanh và rút ngắn thời gian hoàn thành.
“Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là dự án thí điểm, chưa có nhiều kinh nghiệm, do chưa chuẩn bị tốt nên khi thực hiện phải bổ sung dự án, trình cấp có thẩm quyền, làm kéo dài thời gian. Đây là một trong những lý do làm dự án bị đội vốn so với thời điểm ban đầu,” ông Đông nói.
Đánh giá công tác giải phóng mặt bằng bị chậm trễ ảnh hưởng lớn đến tiến độ, theo Thứ trưởng Đông, thời gian thi công, chế tạo, lắp ráp thiết bị chỉ 3 năm là xong, nhưng không có mặt bằng nên không thể triển khai. Với vai trò là chủ đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm cùng với Hà Nội trong vấn đề này.
“Bài học rút ra sau dự án này là kinh nghiệm cho việc triển khai các dự án sau, đó là cần sự chuẩn bị đầu tư đồng bộ, thật tốt ngay từ đầu, trước khi đầu tư. Đối với dự án phức tạp, giải phóng mặt bằng phải được tách biệt thành dự án riêng. Đây cũng là vấn đề đang được Chính phủ, Quốc hội xem xét,” Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Còn theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn, dự án “vô cùng phức tạp”, dù đã tính tới việc khai thác từ những năm 2014 - 2015, nhưng không thể vận hành được. “Đến nay, sau khoảng 3 - 4 lần lỡ hẹn thì chúng tôi mới triển khai khai thác. So với kế hoạch thì thực tiễn khai thác đã chậm khoảng 6 năm", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, lý do chậm trễ của dự án rất nhiều, do thủ tục, hợp đồng, giải phóng mặt bằng và các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam.
Nói về trách nhiệm để tiến độ dự án chậm nhiều năm, Thứ trưởng Đông cho hay chủ đầu tư đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư chịu trách nhiệm chung khi dự án chậm trễ. Bộ Giao thông Vận tải sẽ mổ xẻ để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng phần việc và xử lý theo quy định của pháp luật.