Độc quyền kinh doanh vàng và giá "lên nhanh, xuống chậm": Còn nhiều câu hỏi chưa làm sáng tỏ

Thứ bảy, 11/06/2022 | 08:52 Theo dõi CFĐT trên

Mặc dù câu chuyện Ngân hàng nhà nước “độc quyền” kinh doanh vàng và luôn điều hành giá “lên nhanh, xuống chậm” đã được đặt ra trên nghị trường Quốc hội nhưng vẫn còn đó nhiều câu hỏi chưa được đặt ra…

Kết luận phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền tệ, quản lý ngoại hối, vàng và hoạt động ngân hàng, trong đó có nghị định 24.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Từ tự do đến độc quyền nhà nước

Trước đó, dưới sức ép dồn dập của các đại biểu Quốc hội về việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã cam kết sẽ “ghi nhận” ý kiến của họ và sẽ phân tích, đánh giá trong quá trình tổng kết nghị định 24 tới đây.

“… Bây giờ chúng ta có thể không độc quyền nữa hoặc cho các thương hiệu khác sản xuất vàng miếng thì cần đánh giá rất kỹ lưỡng và lúc đó chắc chắn sẽ xin ý kiến của đông đảo các bên liên quan”, bà Hồng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội và cam kết của Thống đốc - dù chưa đủ mạnh - mang lại hy vọng kết thúc cho câu chuyện quản lý vàng của Việt Nam vốn khác biệt với thế giới tự do trong cả thập kỷ qua.

Cách đây một thập kỷ, kinh tế vĩ mô Việt Nam chao đảo, lạm phát tăng cao vì nhiều lý do như chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, doanh nghiệp nhà nước đầu tư tràn lan và thiếu hiệu quả... Trong bối cảnh ấy, người dân đổ xô đi mua vàng để giữ tài sản, tình trạng các cơn sốt giá vàng thường xuyên xảy ra, thị trường vàng có nhiều bất ổn, nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài để nhập khẩu vàng.

Trước vòng xoáy đó, nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành với các nội dung chính là Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 cuối năm 2012, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An - đoàn Hà Nội - từng truy vấn về việc này sau khi phản ánh, từ khi nghị định 24 ra đời, sự chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới lại càng cao hơn (như ngày 3/11/2012 chênh lệch lên đến 3,74 triệu đồng/lượng) và đặc biệt, tất cả thương hiệu vàng khác (phi SJC) ở trong nước (cũng hàm lượng 99,99) đều bị mất giá, dẫn đến sự bất ổn của thị trường.

Giá vàng chênh lệch “không thể chấp nhận được”

Mối quan tâm về vàng của nhân dân tiếp tục được các đại biểu phản ánh 10 năm sau đó. Tại phiên chất vấn Thống đốc các ngày 8-9/6 vừa qua, các đại biểu cho hay giá vàng chênh lệch lên đến 15-20 triệu đồng/lượng giữa thị trường trong nước và quốc tế, giữa vàng thương hiệu này và thương hiệu khác. Đây là sự chênh lệch “quá lớn”, “quá khắc nghiệt” và “không thể chấp nhận được”.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Hà Nội đặt câu hỏi, liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không? Đến thời điểm nào thì Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi nghị định 24 để có thể xử lý một cách căn cơ các vấn đề bất cập của hoạt động kinh doanh vàng trong suốt thời gian qua.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp - phản ánh, nghị định 24 ban hành cách đây 10 năm, lúc đó vàng thế giới chỉ có trên dưới 1.600 ounce, hiện nay hơn 1.800 ounce và giá vàng trong nước lúc đó khoảng 30-35 triệu đồng, đến nay đã lên 70 triệu. Cho rằng cần sửa nghị định 24, ông chất vấn: “Tôi nghĩ nếu vàng trong nước tăng kiểu này thì tình hình lạm phát có khả năng tăng theo, đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá. Chúng ta nên chấn chỉnh thị trường vàng trong nước để đảm bảo làm sao cho phù hợp với thị trường thế giới”.

Trả lời chất vấn, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước chưa sử dụng dự trữ ngoại hối để nhập khẩu vàng về để can thiệp dù biết nhu cầu thị trường hiện nay. Bà bảo vệ việc giao độc quyền nhà nước cho SJC: “SJC giá cao nhưng mua cao lại bán cao, còn những thương hiệu ngoài SJC thì mua thấp lại bán thấp. Cho nên, nếu như người dân lựa chọn vàng SJC mua cao thì lúc bán cũng được giá cao và nếu lựa chọn các thương hiệu khác thì mua thấp và bán thấp”.

Rõ ràng độc quyền vàng luôn là vấn đề nhân dân quan tâm, thể hiện qua chất vấn liên tục, bền bỉ từ các đại biểu khóa 13 đến các đại biểu khóa 15 và câu trả lời của ngành quản lý vẫn chưa thỏa mãn.

Lộ trình phía trước trả món nợ

Chỉ hơi tiếc, nhiều câu hỏi khác chưa kịp đặt ra. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước đã nhập khẩu về bao nhiêu vàng trong 10 năm qua; lời lãi của việc kinh doanh vàng thế nào, ai hưởng lợi; vì sao Ngân hàng Nhà nước độc quyền mà giá trong nước chỉ cao hơn chứ không bao giờ thấp hơn giá vàng thế giới; vì sao lại đặt cơ quan quản lý vào thế độc quyền để đối lập với lợi ích của người dân; có quốc gia nào trên thế giới mà nhà nước dành quyền độc quyền kinh doanh vàng?

Các chuyên gia phản ánh, theo quy định hiện hành như luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam, pháp lệnh Quản lý ngoại hối… thì Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp nên việc giao Ngân hàng Nhà nước sản xuất vàng miếng tại nghị định 24 là không còn phù hợp vì vàng miếng cũng là hàng hóa.

Luật Doanh nghiệp cũng quy định rất rõ ràng các nhóm cấm doanh nghiệp tư nhân kinh doanh (còn rất ít), nhóm kinh doanh có điều kiện (bao gồm vàng, tiền), còn lại là người dân được tự do kinh doanh.

Người dân đổ xô đi mua vàng là do lo ngại lạm phát, kinh tế vĩ mô bất ổn. Hành động đó là hệ lụy chứ không phải là nguyên nhân. Nghị quyết Đại hội 13, các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội suốt thời gian qua đều khẳng định, “kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiềm chế”. Thành quả đó càng là cơ sở để sửa đổi nghị định 24, như Chủ tịch Quốc hội yêu cầu và để khẳng định tính chính danh của kinh tế thị trường mà Việt Nam theo đuổi.

Theo VNN
Theo VnMedia.vn Copy
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều

Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương biến động trái chiều vào phiên cuối tuần do dữ liệu lạm phát của Trung Quốc trong tháng 5 phần lớn phù hợp với kỳ vọng. 
Cổ phiếu của ông lớn dầu mỏ trở lại từ vực sâu

Cổ phiếu của ông lớn dầu mỏ trở lại từ vực sâu

Từng đạt ngôi vị công ty giá trị nhất thế giới và cũng từng bị nhà đầu tư xa lánh, giờ đây cổ phiếu ExxonMobil đang chứng kiến đà tăng phi mã, gần 70%.
Trên HOSE có 44 doanh nghiệp vốn hóa hơn 1 tỷ USD

Trên HOSE có 44 doanh nghiệp vốn hóa hơn 1 tỷ USD

Đến hết tháng 05/2022, trên HOSE có 44 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Trong đó, 03 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD, bao gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) và Tập đoàn Vingroup (VIC).
Tập đoàn Đầu tư I.P.A thông qua chào bán cổ phiếu để huy động vốn

Tập đoàn Đầu tư I.P.A thông qua chào bán cổ phiếu để huy động vốn

HĐQT Tập đoàn Đầu tư I.P.A ( HNX: IPA) chuẩn bị trình kế hoạch chào bán gần 214 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 cho các cổ đông hiện hữu.
Châu Âu nhất trí cấm bán ô tô chạy xăng, dầu từ năm 2035

Châu Âu nhất trí cấm bán ô tô chạy xăng, dầu từ năm 2035

Các nhà làm luật châu Âu đã bỏ phiếu nhất trí cấm bán xe hơi chạy bằng xăng, dầu từ năm 2035.
Chiến dịch tấn công Zero-day - mối đe dọa đối với các nhà giao dịch tài chính

Chiến dịch tấn công Zero-day - mối đe dọa đối với các nhà giao dịch tài chính

Đầu năm nay, Cơ quan bảo mật Trend Micro phát hiện một lỗ hổng an toàn thông tin nghiêm trọng có mã CVE-2024-21412 trên hệ thống Microsoft Defender SmartScreen.
Mẹo quản lý tài chính doanh nghiệp startup

Mẹo quản lý tài chính doanh nghiệp startup

Trong hành trình khởi đầu của một doanh nghiệp startup, quản lý tài chính đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường kinh doanh không ngừng biến động. Để thành công, việc áp dụng các chiến lược quản lý tài chính hiệu quả là điều không thể phủ nhận.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chèo kéo, mập mờ trong bán hợp đồng bảo hiểm

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chèo kéo, mập mờ trong bán hợp đồng bảo hiểm

Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về các hành vi chèo kéo trong bán hợp đồng bảo hiểm; nhân viên tư vấn bảo hiểm chỉ nói những mặt tốt của bảo hiểm…
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về thuế, phí trong giá xăng dầu

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về thuế, phí trong giá xăng dầu

Gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đặt vấn đề về giải pháp giảm bớt thuế, phí trong giá xăng dầu để bình ổn giá.
Cafe Khởi nghiệp