Điều gì khiến Fed muốn đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ?

Thứ hai, 13/12/2021 | 12:08 Theo dõi CFĐT trên

Mới cách đây bốn tuần, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu khởi động kế hoạch được vạch ra một cách hết sức thận trọng nhằm cắt giảm nới lỏng định lượng (QE). Vậy mà trong cuộc họp vào tuần này, Fed có thể đã tính đến chuyện cắt giảm chương trình mua tài sản này với tốc độ nhanh hơn, tiến tới bắt đầu nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Điều gì khiến Fed muốn đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ?
Điều gì khiến Fed muốn đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ?

Sự thay đổi lập trường đột ngột từ mềm mỏng sang cứng rắn của Fed đồng nghĩa QE – chương trình bơm tiền vào nền kinh tế bằng cách mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng có thể kết thúc sớm hơn dự kiến ban đầu và việc nâng lãi suất trở lại có thể được triển khai trong quý hoặc quý 2/2022 thay vì muộn hơn như kỳ vọng trước đó. 

Đây là một sự dịch chuyển quan trọng của Chủ tịch Fed Jerome Powell diễn ra ngay sau khi ông Powell được Tổng thống Joe Biden đề cử cho vị trí này thêm một nhiệm kỳ 4 năm.

Nỗ lực nhiều hơn vào mục tiêu kiềm chế lạm phát

Với sự dịch chuyển như vậy, ông Powell đang tập trung các nỗ lực của Fed nhiều hơn vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, thay vì mục tiêu tạo công ăn việc làm để đưa số việc làm trong nền kinh tế Mỹ trở lại mức trước đại dịch. 

Lạm phát ở Mỹ đã tăng mạnh trong năm nay, với giá cả tiêu dùng ở nước này trong tháng 10 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh nhu cầu hàng hoá và dịch vụ tăng mạnh trong khi các nút thắt chuỗi cung ứng liên quan đến sự mở cửa trở lại của nền kinh tế vẫn chưa được tháo gỡ.

Các quan chức Fed cho biết có thể sẽ còn điều chỉnh ngôn từ trong tuyên bố chính sách, dừng gọi lạm phát là một vấn đề “tạm thời” và làm rõ quan điểm của họ về vấn đề tăng lãi suất trong năm 2022. Thị trường đang tin rằng hầu hết các quan chức Fed sẽ dự báo lãi suất cơ bản của Fed sẽ tăng nhiều hơn 0,25 điểm phần trăm trong năm tới.

Cuộc dịch chuyển lập trường của ông Powell đã được đẩy nhanh trong 1 tháng qua, khi một loạt dữ liệu mới cho thấy áp lực giá cả gia tăng và lan rộng trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi. 

Chỉ vài ngày trước cuộc họp cuối tháng 11 của Fed, Bộ Lao động nước này cho biết chỉ số chi phí nhân công, một thước đo quan trọng về thu nhập của người lao động bao gồm cả tiền lương và các chế độ khác, tăng 1,3% trong quý 3 so với quý 2, mức tăng mạnh nhất kể từ ít nhất năm 2001.

Dữ liệu khiến một số quan chức của Fed cho rằng kế hoạch của họ từ cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD mỗi tháng với tốc độ giảm 15 tỷ USD/tháng, để chương trình kết thúc sau 8 tháng, nghĩa là vào tháng 6 năm sau có thể không đủ nhanh. Họ muốn kết thúc chương trình này trước khi bắt đầu tăng lãi suất. Dù vậy, các quan chức Fed vẫn phê chuẩn kế hoạch cắt giảm như vậy trong cuộc họp tháng 11, một phần tránh để các nhà đầu tư bị bất ngờ và khiến thị trường tài chính biến động mạnh, tờ Wall Street Journal cho hay.

Ba báo cáo khác trong những ngày sau đó tiếp tục khiến các quan chức Fed lo ngại rằng họ có thể hành động quá chậm. Hôm 5/11, Bộ Lao động Mỹ cho biết số lượng việc làm mới được tạo ra trong khu vực phi nông nghiệp cao hơn nhiều so với dự báo, đồng thời điều chỉnh tăng số việc làm mới được tạo ra trong tháng trước đó. Nhờ vậy, tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 của Mỹ giảm còn 4,6%. Đến tháng 12, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm còn 4,2%.

Hôm 10/11, một báo cáo khác cho thấy áp lực lạm phát tiếp tục leo thang và lan rộng trong tháng 10, cho dù Fed từng dự báo rằng giá cả sẽ đạt đỉnh trong mùa hè. Và vào hôm 16/11, một báo cáo nữa cho thấy chi tiêu của người Mỹ tại các cửa hàng bán lẻ thực tế, trên Internet và tại các nhà hàng tăng mạnh trong tháng 10.

Tất cả những dữ liệu này khiến các quan chức Fed phải “dọn đường” cho một sự dịch chuyển lập trường mà ông Powell là người đứng ra công bố chính thức.

Lạm phát không chỉ là “tạm thời”

Lạm phát không chỉ là “tạm thời”
Lạm phát không chỉ là “tạm thời”

Tại một buổi lễ ở Nhà Trắng tháng 11 vừa qua, khi Tổng thống Biden công bố chính thức việc đề cử ông Powell cho nhiệm kỳ tiếp theo, ông Powell đã phát tín hiệu về sự thay đổi lập trường chính sách tiền tệ. Và cuối cùng, trong cuộc điều trần ở Thượng viện vào ngày 30/11 và 1/12, ông Powell nói đã đến lúc thôi dùng từ “tạm thời” để miêu tả lạm phát.

Đến hiện tại, Fed vẫn cho rằng lạm phát ở Mỹ sẽ dịu đi trong năm tới, nhưng ông Powell cho thấy rằng Fed không muốn đặt cược tất cả vào một dự báo như vậy.

“Hầu hết các nhà dự báo đều cho rằng lạm phát sẽ giảm đáng kể trong nửa sau của năm tới. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không thể hành động như thể chúng ta biết chắc như vậy”, ông Powel nói.

Năm nay, Fed đã hành động thận trọng trong việc rút lại các biện pháp kích thích kinh tế, một phần bởi một khuôn khổ mới mà Fed đặt ra vào năm ngoái. Khuôn khổ này loại trừ khả năng Fed hành động theo khuynh hướng bấy lâu là tăng lãi suất kiểu phủ đầu để chặn trước áp lực lạm phát. Fed đặt ra khuôn khổ như vậy sau một thập kỷ mà lạm phát ở Mỹ liên tục ở dưới mục tiêu 2% mà Fed đề ra.

Khuôn khổ của Fed thực chất là một “bài kiểm tra” gồm ba phần, tất cả phải được đáp ứng trước khi Fed có thể nâng lãi suất, bao gồm: lạm phát đạt 2%, lạm phát có khả năng vượt ngưỡng này, và thị trường việc làm trở lại mức tương đương với toàn dụng lao động.

Giờ đây, Fed cần xác định có phải phát tín hiệu về bước tiến trong việc đạt tới những mục tiêu đó hay chưa, và nếu có, thì khi nào và làm thế nào để phát tín hiệu đó, nhất là khi phần về lạm phát đã được đáp ứng.

Các quan chức Fed rõ ràng đang nghiêng về đánh giá cho rằng các biện pháp kích cầu mạnh mẽ bằng chính sách tài khoá và tiền tệ mà Mỹ đã triển khai trong năm ngoái đã khiến cho các lực lượng suy thoái truyền thống trong nền kinh tế bị thay đổi. Theo đó, các chính sách này đã mang lại sự tăng trưởng tiền lương mà thường phải mất nhiều thời gian hơn để có được sau mỗi cuộc suy thoái.

Việc giá nhà, cổ phiếu và các tài sản khác tăng mạnh cũng đẩy cao giá trị tài sản ròng của nhiều gia đình Mỹ, dẫn tới nhu cầu tăng mạnh hơn và thậm chí tạo điều kiện cho nhiều người nghỉ hưu sớm, khiến thị trường việc làm càng thêm thắt chặt. Nhu cầu có thể tăng cao hơn nữa nếu đại dịch Covid-19 đến lúc nào đó dịu đi, thúc đẩy chi tiêu vào dịch vụ và khuyến khích thêm nhiều người Mỹ tìm kiếm việc làm.

Mùa hè năm nay, nhiều người tin việc một số mặt hàng tăng giá dữ dội, nhất là ô tô cũ, sẽ không kéo dài. Khi các dữ liệu sau đó tiếp tục cho thấy áp lực giá cả lan rộng, họ vẫn cho rằng lạm phát chỉ là “tạm thời” như Fed nói và sẽ sớm xuống thang. Nhưng đến tháng trước, “chúng ta có thêm lý do để nói rằng: “Không, lạm phát rộng hơn những gì mọi người đã tưởng”, và nhu cầu thực chất đã vượt xa mức trước đại dịch, ông Quarles nhấn mạnh.

Trong suốt nhiều tháng, giới chức Fed đã nhấn mạnh về rủi ro của việc tăng lãi suất quá sớm để hạ nhiệt nền kinh tế nếu các nút thắt chuỗi cung ứng tự hoá giải. Nhưng theo ông Quarles, nếu hiệu ứng của các biện pháp kích cầu và sự gia tăng tài sản dẫn tới nhu cầu mạnh hơn, “thì đó là lúc chính sách tiền tệ phải phản ứng” bằng cách tăng lãi suất.

Ngay cả một số quan chức Fed trước đây nhấn mạnh ưu tiên tạo công ăn việc làm giờ cũng phát tín hiệu rằng Ngân hàng Trung ương này cần phải chú ý nhiều hơn đến nguy cơ lạm phát ở trên ngưỡng 2% trong thời gian quá dài.

“Nếu các con số lạm phát không tăng, chúng ta có thể để cho nền kinh tế tăng nóng thêm một chút và đợi những người thất nghiệp tìm được việc làm”, Chủ tịch Fed Chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly, phát biểu trong một hội thảo trực tuyến mới đây.

T.T
Theo VnMedia.vn Copy
Tỷ giá Nhân dân tệ đạt mức cao nhất 3 năm

Tỷ giá Nhân dân tệ đạt mức cao nhất 3 năm

Trong bối cảnh tỷ giá đồng nội tệ đạt mức cao nhất 3 năm, Bắc Kinh đang vội triển khai các biện pháp can thiệp trước khi sự tăng giá này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Tỷ giá trung tâm tăng mạnh phiên đầu tuần

Tỷ giá trung tâm tăng mạnh phiên đầu tuần

Ngày 13/12, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, áp dụng trong ngày ở mức 23.207 VND đồng, tăng 32 đồng so với giá niêm yết trước đó.
Giá vàng thế giới tăng nhẹ, chênh lệch trong nước lên tới 800.000 đồng/lượng

Giá vàng thế giới tăng nhẹ, chênh lệch trong nước lên tới 800.000 đồng/lượng

Sáng nay (13/12), giá vàng trong nước mua vào và bán ra đang có sự chệnh lệch ở mức 700.000 đồng đến 800.000 đồng/ lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng nhẹ 0,04% lên 1.783,2 USD/ounce.
Vướng mắc dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được tháo gỡ ra sao?

Vướng mắc dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được tháo gỡ ra sao?

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn gửi Bộ Xây dựng, Bộ GTVT về việc lấy ý kiến đối với đề xuất phân công chủ trì tháo gỡ vướng mắc cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội (metro Nhổn - ga Hà Nội) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).
Bỏ túi 16 tỷ USD, tài sản của CEO Oracle vượt hai đối thủ truyền kiếp tại Google

Bỏ túi 16 tỷ USD, tài sản của CEO Oracle vượt hai đối thủ truyền kiếp tại Google

Larry Ellison – nhà đồng sáng lập Google và hiện là Chủ tịch tập đoàn công nghệ máy tính Oracle, vừa trở thành tỷ phú giàu thứ 5 thế giới với khối tài sản ròng tăng đáng kể nhờ giá cổ phiếu Oracle tăng cao.
Loạt startup Trung Quốc vào danh sách đen sẽ bị hạn chế gọi vốn từ nước ngoài?

Loạt startup Trung Quốc vào danh sách đen sẽ bị hạn chế gọi vốn từ nước ngoài?

Theo Financial Times, Trung Quốc được cho là đang đưa ra một danh sách đen sẽ khiến các công ty công nghệ mới gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn nước ngoài và niêm yết ở nước ngoài.
Chiến dịch tấn công Zero-day - mối đe dọa đối với các nhà giao dịch tài chính

Chiến dịch tấn công Zero-day - mối đe dọa đối với các nhà giao dịch tài chính

Đầu năm nay, Cơ quan bảo mật Trend Micro phát hiện một lỗ hổng an toàn thông tin nghiêm trọng có mã CVE-2024-21412 trên hệ thống Microsoft Defender SmartScreen.
Mẹo quản lý tài chính doanh nghiệp startup

Mẹo quản lý tài chính doanh nghiệp startup

Trong hành trình khởi đầu của một doanh nghiệp startup, quản lý tài chính đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường kinh doanh không ngừng biến động. Để thành công, việc áp dụng các chiến lược quản lý tài chính hiệu quả là điều không thể phủ nhận.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chèo kéo, mập mờ trong bán hợp đồng bảo hiểm

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chèo kéo, mập mờ trong bán hợp đồng bảo hiểm

Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về các hành vi chèo kéo trong bán hợp đồng bảo hiểm; nhân viên tư vấn bảo hiểm chỉ nói những mặt tốt của bảo hiểm…
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về thuế, phí trong giá xăng dầu

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về thuế, phí trong giá xăng dầu

Gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đặt vấn đề về giải pháp giảm bớt thuế, phí trong giá xăng dầu để bình ổn giá.
Cafe Khởi nghiệp