Gia đình bất hòa, lượm ve chai để mưu sinh, vay tiền đóng học cho con, Tết đến phải đi vay mượn... là những thứ ập đến với người công nhân vệ sinh môi trường trong suốt thời gian qua do bị công ty nợ lương.
Gia đình bất hòa, lượm ve chai để mưu sinh, vay tiền đóng học cho con, Tết đến phải đi vay mượn... là những thứ ập đến với người công nhân vệ sinh môi trường trong suốt thời gian qua do bị công ty nợ lương.
Làm việc trong môi trường tiếp xúc với rác bẩn, công việc nặng nhọc, nguy hiểm luôn rình rập, sức khỏe bị ảnh hưởng và dường như cả năm không có ngày nghỉ là công việc của những người công nhân vệ sinh môi trường. Vất vả là thế, nhưng tiền lương mà họ nhận được hàng tháng chẳng được bao nhiêu, nhiều người phải tiết kiệm lắm mới dư ra được một ít.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần những người công nhân làm công việc thu gom rác đều có hoàn cảnh khó khăn. Vì mưu sinh và hơn hết là tinh thần trách nhiệm nên nhiều người đã gắn bó với công việc trong nhiều năm.
Thế nhưng, trong suốt 1 năm qua, theo phản ánh của nhiều công nhân từng là lao động của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Công nghệ cao Minh Quân – ngoài việc “vật lộn” với hàng tấn rác mỗi ngày, họ còn phải đấu tranh đòi lại quyền lợi cho bản thân trước vấn đề công ty trên trả chậm lương từ tháng 6 đến tháng 12/2020.
Tuy nhiên, trước những nỗ lực đấu tranh của những người công nhân, tới ngày 24/6/2021 họ vẫn chưa nhận được đủ tất cả số tiền công đáng lẽ ra họ phải nhận được hàng tháng từ trước đó.
=> Xem thêm: Cuộc đời cực nhọc của người mẹ sinh 14 đứa con ở giữa lòng thủ đô
Rạng sáng, trong túp lều sập sệ được dựng tạm phía sau khu điền kinh của thành phố, ông Nguyễn Văn Đăng (SN 1963, quê ở xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) – từng là lao động của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Công nghệ cao Minh Quân, đang loay hoay sắp xếp đồ đạc vào chiếc balo để chuẩn bị bắt xe bus về nhà.
Được biết, ông Đăng là một trong những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dù đã gần 60 tuổi và bị cụt một chân, phải đeo chân giả, nhưng hàng ngày người đàn ông này vẫn đang gồng mình “vật lộn” với hàng tấn rác mỗi đêm để có tiền trang trải cho gia đình.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đăng cho biết: “Hôm qua ít rác lên hơn 0h đêm tôi đã hoàn thành công việc rồi về nghỉ ngơi sớm, nhưng trời nóng quá, cả đêm tôi thức giấc liên tục.
Vài ngày trước có hôm lượng rác nhiều quá, hơn 2h sáng chúng tôi mới dọn xong”.
Vì không có tiền để thuê phòng trọ nên hàng đêm, sau khi kết thúc công việc, ông Đăng lại trở về túp lều sập sệ để nghỉ ngơi, chờ đến sáng sớm bắt xe bus về nhà.
Trong lúc chờ đợi xe bus, ông Đăng bảo sau khi công ty Minh Quân chấm dứt hợp đồng lao động, ông chuyển sang làm việc ở công ty môi trường khác. Nhà ở cách chỗ làm 30 km, mỗi ngày người đàn ông này phải đi xe bus trước giờ làm 2 tiếng để kịp bắt đầu buổi làm việc vào lúc 17h30.
Hiện, vợ chồng ông Đăng đang sống trong căn nhà tạm bợ cấp 4 tại xóm Dộc Chảy (xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cách nhà chính của ông hơn 1km. Bởi nhiều năm về trước, vợ chồng ông Đăng thuê căn nhà này do chủ nhà cho mượn cái ao ngay nhà để nuôi cá.
Lúc đó, vợ chồng người ông Đăng vui mừng khôn xiết. Để có đủ tiền đầu tư nuôi cá giống, vợ chồng ông bàn bạc rồi quyết định vay ngân hàng 100 triệu cùng với số tiền tích cóp có được.
“Vợ chồng tôi lúc đó vay 100 triệu để đầu tư nuôi cá, nhưng bị thua lỗ. Bởi tiền mua cá giống cao lắm, chúng tôi lại phải mua cả thức ăn cho cá nữa. Đến lúc bán ra 1kg cá mè họ mua có 7.000 nghìn đồng, còn cá trôi có 15.000 nghìn đồng/kg”, ông Đăng cho biết.
Chêm lời ông Đăng, bà Nguyễn Thị Sơn (SN 1961, vợ ông Đăng) cho biết, ngoài nuôi cá thì gia đình cũng có cấy thêm 1, 2 sào ruộng để có cái ăn nhưng những năm gần đây toàn bị chuột ăn hết, thu hoạch chẳng được bao nhiêu.
“Năm 2017, tôi biết đến công việc dọn rác sau khi được một vài người quen giới thiệu. Lúc đầu ban đầu còn hơi bỡ ngỡ, nhưng dần dần thấy quen, dễ làm nên tôi quyết định theo nghề. Khoảng 2 năm sau, chồng tôi cũng theo nghề thu gom rác sau khi lắp chân giả”, bà Sơn nhớ lại.
Để có được những đồng lương ít ỏi, ngoài những giờ xử lý hàng tấn rác trong hầm chung cư, ông còn phải “vật lộn” chiếc chân giả của mình.
“Nhiều đêm đang ngủ chân tôi đau nhức không ngủ được, có lúc sáng ngủ dậy tê buốt hết một bên chân. Những lúc như vậy tôi phải xoa bóp khoảng 20 phút thì chân mới đỡ đau và hoạt động bình thường”, ông Đăng chia sẻ.
Trong năm 2020, vì công ty nợ lương không có tiền sinh hoạt hàng ngày nên cuộc sống của gia đình vợ chồng ông Đăng vốn đã khó khăn lại càng trở lên cơ cực.
Để đòi lại quyền lợi cho mình, vợ chồng ông Đăng cùng đồng nghiệp trong tổ đã đến công ty đòi lương nhiều lần, gần Tết cũng đến nhưng đều chỉ nhận được những lời hứa hẹn “tháng sau công ty sẽ trả”.
“Tết năm ngoái vợ chồng tôi đi vay tiền để sắm tết, người ta hỏi sao hai vợ chồng đi làm cả năm mà tết đến vẫn phải đi vay? Lúc đó tôi nghẹn lại, không nói lên lời”, ông Đăng ngậm ngùi chia sẻ.
“Ban đầu tôi băn khoăn không muốn chia sẻ với báo chí, truyền thông vì lo sợ bị lộ chân giả rồi người ta không ai nhận mình nữa, nhưng vì công ty nợ tiền lương của chúng tôi lâu quá khiến ai nấy đều rất bức xúc. Giờ chúng tôi chỉ mong họ sẽ trả đầy đủ tiền lương sớm nhất”, ông Đăng nói thêm.
=> Xem thêm: Cuộc sống gia đình Hồ Văn Cường ra sao sau 5 năm con trai nổi tiếng?
Cũng như anh Đăng, chị Nguyễn Thị Minh Uyên (quê Thái Bình) là một trong những công nhân bị công ty Minh Quân nợ lương, cho biết, chị bắt đầu làm việc thu gom rác cho công ty Minh Quân từ năm 2017. Thời gian đầu, công ty trả lương đầy đủ, nhưng đến năm 2020 thì bị chậm.
“Thời gian đầu, công ty trả cho tôi đủ 174.000 đồng/ngày lương nhưng đến năm 2020 thì bị chậm. Đỉnh điểm là thời gian cuối năm, công ty nợ tôi và các đồng nghiệp trong tổ 6 tháng lương, từ tháng 6 đến tháng 12/2020”, chị Uyên cho biết.
Trong tổ, chị Uyên được xem là một trong những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi phải nuôi con nhỏ và mẹ già. Thế nhưng, hoàn cảnh của chị Uyên vốn đã khó khăn lại càng trở lên cơ cực hơn vì bị công ty chậm lương. Dù đã nhiều lần chị cùng đồng nghiệp rủ nhau lên công ty đòi lương, nhưng lần nào họ cũng chỉ nhận được những lời hứa hẹn “tháng sau công ty sẽ trả”.
“Chúng tôi đã đến công ty đòi lương nhiều lần, gần Tết cũng đến nhưng đều chỉ nhận được những lời hứa hẹn là tháng sau công ty sẽ trả. Nhiều tổ khác đã đình công rồi nhưng chúng tôi thì không bởi chị tổ trưởng luôn khuyên nhủ mọi người tích cực làm việc rồi công ty sẽ trả đủ", chị Uyên kể.
Trong suốt quãng thời gian chờ đợi tiền lương, chị Uyên phải đi nhặt vỏ chai để bán kiếm sống qua ngày. Lúc đó, trong mỗi bữa cơm của chị, món thịt, món cá dường như là thứ rất xa xỉ.
Ngoài ra, mỗi khi có công việc lớn, không có tiền, chị lại phải vay mượn. Ngày này qua ngày khác, số tiền nợ, tiền lãi tăng lên đến mức không đủ khả năng chi trả. Không ít lần chị Uyên bị chủ nợ nói những câu nặng lời khi xin khất nợ.
"Thật sự, bản thân tôi rất xấu hổ nhưng đến khi nhà không còn hạt gạo nào tôi đành phải đi hỏi xem vay ai được vài chục nghìn để mua gạo chứ không biết làm thế nào”, chị Uyên kể.
Cùng thời điểm đó, ở nhà, chị Uyên nhiều lần bị mẹ đay nghiến vì thấy chị đi làm mà không có tiền mang về, nghĩ do ăn chơi nên hết.
"Cứ mỗi lần đi làm về nếu không có tiền là mẹ tôi bắt đầu chửi mắng. Thậm chí, tôi đã từng ra thuê trọ ở riêng vì không chịu được những câu quát mắng của mẹ.
Tôi không dám nói chuyện công ty nợ lương vì sợ mẹ tôi nghĩ là tôi ăn chơi nên hết tiền. Đến khi mọi chuyện vỡ lở, bây giờ mẹ tôi mới thông cảm và hiểu cho con", chị Uyên tâm sự.
Thế nhưng, điều khiến chị Uyên buồn nhất là khoản học phí của cậu con trai lớp 3. Bởi mỗi lần đến hạn đóng học phí, chị Uyên lại là người đóng tiền muộn nhất nên con trai chị hay bị các bạn trong lớp trêu trọc, đến nỗi nhiều lần không dám đi học.
"Lúc nào cũng là người đóng tiền muộn nhất cho con nên khi đến lớp cháu hay bị các bạn trêu. Tôi cũng khuyên và động viên cháu, thậm chí nhờ người đưa đến trường nhưng cháu xấu hổ và không chịu. Có đợt, cháu nghỉ học cả 3-4 ngày", chị Uyên nói.
Nghĩ về hoàn cảnh của bản thân, nghĩ về đứa con thơ dại, chị Uyên cảm thấy tủi thân và không kìm nén được cảm xúc. Ngay lúc đó, những giọt nước mắt ứa ra chảy thành dòng xuống hai bên gò má, chị vội vã lấy tay lau đi những giọt nước mắt, rồi tạm biệt chúng tôi.