Theo Khảo sát Chi phí sinh hoạt năm 2021 vừa công bố, Ashgabat, thủ đô của quốc gia Trung Á Turkmenistan là thành phố có chi phí đắt đỏ nhất thế giới với người nước ngoài.
Theo Khảo sát Chi phí sinh hoạt năm 2021 vừa công bố, Ashgabat, thủ đô của quốc gia Trung Á Turkmenistan là thành phố có chi phí đắt đỏ nhất thế giới với người nước ngoài.
Mercer tiến hành khảo sát 209 thành phố trên thế giới và xếp hạng mức độ đắt đỏ dựa trên các tiêu chí về chi phí sinh hoạt bao gồm nhà ở, giao thông, thực phẩm, giải trí, chăm sóc cá nhân..., trong đó lấy thành phố New York (Mỹ) làm cơ sở so sánh.
Thủ đô của Turkmenistan gây ngạc nhiên lớn khi xuất hiện trong top 10, chứ chưa nói đến việc xếp vị trí đầu tiên.
Năm 2020, Ashgabat đứng vị trí thứ hai. Từ trước tới nay, top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới thường xuất hiện những cái tên quen thuộc như Hồng Kông (thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2020 và thứ 2 năm nay), Tokyo (thứ 4 năm 2021), Zurich (thứ 5 năm 2021) và Singapore (thứ 7 năm 2021).
Theo Mercer, cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra tại Turkmenistan gây thiếu lương thực và siêu lạm phát là nguyên nhân khiến chi phí sinh hoạt tại thành phố Ashgabat tăng vọt trong vài năm qua.
Xếp hạng năm nay cũng chứng kiến sự thay đổi lớn so với những năm trước khi Beirut, thủ đô của Lebanon, tăng vọt từ vị trí 45 lên vị trí thứ 3. Nguyên nhân của việc này là suy thoái kinh tế tại Lebanon thêm trầm trọng dưới tác động của đại dịch Covid-19 và vụ nổ tại cảng Beirut hồi tháng 8 năm ngoái.
Trong khi đó, đồng Euro tăng gần 11% so với đồng USD khiến nhiều thành phố châu Âu trở nên đắt đỏ hơn so với các thành phố của Mỹ. New York tuột khỏi top 10 thành phố đắt đỏ, trong khi Paris (Pháp) tăng từ vị trí 50 của năm ngoái lên vị trí 33 năm nay. Tương tự, đồng Đôla Australia tăng giá cũng khiến các thành phố của Australia như Sydney và Melbourne tăng hạng trong danh sách thành phố đắt đỏ nhất thế giới với người nước ngoài năm 2021.
Ở chiều ngược lại, những thành phố có chi phí sinh hoạt rẻ nhất với người nước ngoài là Tbilisi, Georgia (vị trí 207), Lusaka, Zambia (vị trí 208) và Bishkek, Kyrgyzstan (vị trí 209).
“Xếp hạng năm 2021 cũng chịu ảnh hưởng bởi việc các mô hình kinh doanh thay đổi trong đại dịch. Với việc hạn chế đi lại, áp dụng cơ chế làm việc tại nhà trên diện rộng và tuyển dụng từ xa, nhiều công ty chọn cách tuyển dụng người lao động làm việc từ xa thay vì chuyển họ từ một quốc gia khác tới”, bà Vince Cordova, Trưởng nhóm Di cư Quốc tế Đông Bắc của Mercer, nói với CNN.
Theo bà Cordova, việc thay đổi hình thức tuyển dụng quốc tế cũng làm thay đổi nhu cầu hàng hóa, dịch vụ cũng như các mặt hàng tiêu dùng khác. Bên cạnh đó, bà cũng lưu ý rằng sự phục hồi nhanh chóng nhưng không đồng đều của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới bảng xếp hạng của Mercer năm nay.
“Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất đạt được tăng trưởng dương trong năm 2020 và điều này khiến các thành phố Trung Quốc tăng hạng trong danh sách thành phố đắt đỏ nhất thế giới với người nước ngoài”, bà Cordova cho biết.
Top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới với người nước ngoài gồm Ashgabat (Turkmenistan), Hồng Kông (Trung Quốc), Beirut (Lebanon), Tokyo (Nhật Bản), Zurich (Thụy Sỹ), Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, Geneva (Thụy Sỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Bern (Thụy Sỹ).
Trong danh sách năm nay, thành phố Hà Nội và TP. HCM của Việt Nam lần lượt xếp vị trí 139 và 143, giảm lần lượt 23 và 32 bậc so với xếp hạng năm 2020.