Quỹ thành viên của Dragon Capital, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, vừa thoái vốn tại CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) sau 4 phiên liên tiếp cổ phiếu chìm trong “biển đỏ”.
Quỹ thành viên của Dragon Capital, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, vừa thoái vốn tại CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) sau 4 phiên liên tiếp cổ phiếu chìm trong “biển đỏ”.
Theo đó, ngày 19/8 vừa qua, quỹ ngoại DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (thuộc nhóm Dragon Capital) đã bán 200.000 cổ phiếu HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,3368% xuống 2,2552% vốn điều lệ.
Tạm tính theo giá kết phiên tại ngày giao dịch là 53.000 đồng/cổ phiếu, ước tính quỹ thành viên nói trên đã thu về 10,6 tỷ đồng.
Động thái bán cổ phiếu HDG của quỹ ngoại diễn ra trong bối cảnh thị giá HDG giảm liên tục 4 phiên giao dịch từ ngày 16 - 19/8. Song, sau khi thương vụ trên hoàn tất, thị giá HDG đã quay đầu và tăng trở lại trong hai phiên giao dịch tiếp theo vào ngày 22 - 23/8.
Bên cạnh đó, tại thời điểm quỹ ngoại thoái vốn, Hà Đô cũng vừa đưa ra kế hoạch mới là lùi lịch mở bán hai dự án Hado Minh Long (Thủ Đức, TP HCM) và Hado Greenlane (quận 8, TP HCM), thay vì kế hoạch cũ là mở bán trong quý IV/2022, theo thông tin từ Chứng khoán Bản Việt (VCSC).
Tương tự trước đó, CTCP Chứng khoán Bản Việt (HOSE: VCI) đã tiến hành bán ra 200.000 cổ phiếu HDG để giảm sở hữu từ 6,03% về còn 5,94% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 30/5.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Trưởng ban Y tế và đồng thời là chị gái ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty đã bán 25.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,2% về còn 0,19% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 13/6 đến 12/7.
Xem thêm: Quỹ ngoại Malaysia rút một phần vốn tại CTCP Cơ điện Lạnh
Thông tin thêm, CTCP Hà Đô (HDG) tiền thân là xí nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng được thành lập năm 1990. Năm 2004, Công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. HDG hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là bất động sản, năng lượng, xây lắp, thương mại dịch vụ.
Trong lĩnh vực bất động sản, các dự án của HDG tập trung ở những vị trí đẹp của thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và đều là đất sạch. Phần quỹ đất có nguồn gốc từ Bộ Quốc Phòng chiếm khoảng 50% tổng quỹ đất, phần đất không có nguồn gốc từ Bộ Quốc Phòng đều là đất sạch. Một số dự án tiêu biểu của Công ty bao gồm Hado Dragon City, Khu đô thị mới Dịch vọng (Hà Nội); Nongtha Central Park, Hado Centrosa Garden, Hado Green Lane (TP.HCM). Trong lĩnh vực năng lượng, HDG đang sở hữu 6 nhà máy thủy điện tại các tỉnh Quảng Nam, Nghệ An, Bình Thuận.
Xét về hoạt động kinh doanh, quý II/2022, Hà Đô ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.007 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Giá vốn cũng tăng mạnh nhưng tốc độ chậm hơn doanh thu giúp biên lãi gộp được cải thiện lên gần 66% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 664 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, Hà Đô lãi ròng 418 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Riêng quý I/2022, HDG ghi nhận doanh thu gần 684,8 tỷ đồng, giảm mạnh 49,42% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 295,75 tỷ đồng, giảm 26,35% so với cùng kỳ.
Theo đó, lũy kế nửa đầu năm, Hà Đô ghi nhận gần 1.692 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 714 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, Hà Đô đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.703 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.344 tỷ đồng.
Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được gần 46% kế hoạch doanh thu và 53% kế hoạch lợi nhuận sau nửa năm.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HDG giao dịch ở mức 55,400 đồng/cổ phiếu tại phiên sáng 24/8.
Xem thêm: Cổ đông cá nhân lớn của Sara Việt Nam thoái sạch vốn tại SRA