Chúng tôi xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 9/12, bao gồm: PVT, PVS, VNM.
Chúng tôi xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 9/12, bao gồm: PVT, PVS, VNM.
CTCK Agribank - AGR
Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT – sàn HOSE) ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2022 tăng trưởng tích cực với doanh thu thuần đạt 2.330 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó doanh dịch vụ vận tải đạt 1.807 tỷ đồng (tăng 45%), doanh thu dịch vụ hàng hải đạt 202 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ, và doanh thu thương mại và dịch vụ khác đạt 321 tỷ đồng (tăng 38%). Đồng thời, PVT cũng ghi nhận lợi nhuận đột biến 200 tỷ đồng từ khoản thanh lý tàu Athena. Qua đó, lợi nhuận sau thuế của PVT đạt 386 tỷ đồng (tăng 152%).
Nhu cầu đối với tàu chở dầu đang tăng mạnh kể từ giữa năm nay, khi Liên minh châu Âu EU áp dụng các lệnh trừng phạt về dầu thô đối với Nga, và xu hướng này có thể tiếp diễn trong thời gian tới. Lệnh cấm vận dẫn đến hải trình vận chuyển dầu khí xa hơn khi Nga cần vận chuyển nhiều hơn đến thị trường Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ.
Ngược lại, EU cũng cần nhập khẩu từ các nước xa hơn. Chỉ số về giá cước liên quan tới hoạt động kinh doanh của PVT như: Cước vận tải dầu thô (Baltic dirty tanker), cước vận tải các xăng dầu thành phẩm (Baltic clean tanker) đều tăng mạnh trong thời gian gần đây
Triển vọng dài hạn của PVT được đảm bảo nhờ vào các tàu mới có thể chạy tuyến định hạn quốc tế với chi phí thấp hơn các chủ tàu nước ngoài.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 23.000 đồng/CP.
CTCK MB - MBS
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) ghi nhận doanh thu đạt 11.082 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 672 tỷ đồng, bằng 115% và 96% cùng kỳ 2021.
MBS tiếp tục đánh giá cao cơ hội đầu tư trung và dài hạn vào cổ phiếu PVS trong giai đoạn 2022-2025 với các dự án dầu khí lớn đang được hỗ trợ bởi giá dầu ở mức cao. Định giá cổ phiếu ở mức 29.500 đồng/cp, MBS khuyến nghị MUA cổ phiếu PVS. MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PVS.
Kết quả kinh doanh 9T.2022 duy trì khả quan, doanh thu tăng 15%, lợi nhuận trước thuế bằng 96% cùng kỳ 2021, trong bối cảnh lĩnh vực chế tạo cơ khí dầu khí đang là điểm trũng Trong quý 3/2022, doanh thu toàn Tổng công ty đạt 3.502 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 297 tỷ đồng, lần lượt bằng 88% và 106% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực chế tạo cơ khí dầu khí có doanh thu cao nhất với 5.470 tỷ đồng, tăng 16,5% và chiếm 49,4% tổng doanh thu. Tuy nhiên, chi phí cũng tăng cao làm cho Lợi nhuận gộp chỉ đạt 27 tỷ đồng, giảm mạnh 84% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực Căn cứ cảng dịch vụ kỹ thuật mang lại lợi nhuận gộp cao nhất với 238 tỷ đồng, tăng 17%. Lĩnh vực Khảo sát địa chất có sự hồi phục tốt khi doanh thu tăng 85,5%, lợi nhuận gộp tăng 180% so với cùng kỳ. MBS dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm lần lượt đạt 15.144 tỷ đồng và 933 tỷ đồng, tăng 7% và 6% so với 2021.
MBS đánh giá triển vọng khả quan cho năm 2023 và các năm tiếp theo của công ty dựa trên các yếu tố: 1) Các hoạt động cốt lõi của công ty tiếp tục ổn định và tăng trưởng; 2) Luật Dầu khí sửa đổi được thông qua với nhiều điểm mới hấp dẫn nhà đầu tư sẽ thúc đẩy lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí trong nước phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới; 3) Giá dầu được dự báo vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao từ 85-95 usd/thùng (dầu Brent); 4) Dự án Lô B- Ô Môn đang được Chính phủ, Bộ Ngành và địa phương quan tâm thúc đẩy tiến độ, có thể sớm đạt được quyết định đầu tư và thực hiện từ năm 2023, bên cạnh đó là các dự án đầu tư lớn trong và ngoài ngành dầu khí như: Nam Du – U Minh, Cá Voi Xanh, Báo Vàng,… các dự án trên bờ như LNG Thị Vải mở rộng, LNG Sơn Mỹ, LNG Long An, dự án Đường ống Đông-Tây nam bộ, dự án điện khí NT3&4, lĩnh vực điện gió ngoài khơi…
Xem thêm: Hàn Quốc: Nợ xấu ngân hàng giảm 5,5% trong quý III
CTCK Agribank - AGR
Doanh thu nội địa CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM – sàn HOSE) hồi phục qua từng quý với quý III/2022 đạt 13.775 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với nền cao cùng kỳ và tăng 10% so với quý trước đó.
Sau khi sắp xếp lại, từ quý III/2022 hoạt động của kênh phân phối truyền thống dần ổn định và hiệu quả. Bên cạnh đó VNM cũng tăng độ hiện diện khi mở mới thêm 600 điểm lẻ. Theo Ban lãnh đạo, các ngành hàng chủ lực (sữa đặc có đường, sữa chua ăn, sữa nước) tiếp tục tăng trưởng tốt và dẫn đầu thị phần.
Hiện giá nguyên liệu đang có xu hướng giảm, giá sữa bột gầy đã điều chỉnh từ vùng đỉnh 4.600 USD/tấn vào đầu tháng 4 xuống còn 3.250 USD/tấn. Qua đó, VNM có thể tận dụng các hợp đồng mua nguyên liệu với giá thấp hơn.
Quý III/2022, doanh thu của các chi nhánh nước ngoài đạt 1.117 tỷ đồng (tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, Driftwood tăng gần 30% và Angkormilk tăng trên 20%.
VNM đang có kế hoạch đầu tư thêm 42 triệu USD vào thị trường Campuchia để xây dựng trang trại bò sữa hướng tới mục tiêu cho sữa trong vòng 2-3 năm tới và mở rộng diện tích nhà xưởng tại Angkormilk, nâng công suất sản xuất lên 90 triệu lít các loại mỗi năm. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu thị trường nước ngoài sẽ tiếp tục tăng trưởng hai chữ số trong các quý tới bù đắp cho hoạt động xuất khẩu trực tiếp ảnh hưởng bởi lạm phát.
Tại thời điểm 30/9/2022, số dư tiền ròng là 12.000 tỷ đồng, chiếm 25% tổng tài sản, giúp VNM hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 92.000 đồng/CP.
Xem thêm: Chứng khoán châu Á lao dốc phiên 8/12