Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 5/9, bao gồm: HAH, MBB, MSB.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 5/9, bao gồm: HAH, MBB, MSB.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HAH
CTCK SSI - SSI
Thị trường vận tải container đã bắt đầu điều chỉnh sau chu kỳ tăng mạnh kéo dài hai năm, cả giá cước giao ngay và giá thuê tàu đều đang giảm. Sự điều chỉnh này diễn ra sớm hơn chúng tôi dự kiến do nhu cầu bất ngờ yếu đi nhanh chóng, chứ không phải do tình trạng tắc nghẽn được giảm bớt.
Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm P/E mục tiêu của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH – sàn HOSE) từ 8 lần xuống 6 lần và hạ giá mục tiêu 1 năm xuống 84.500 đồng/cổ phiếu (từ 110.000 đồng/cổ phiếu). Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HAH.
Trong hai năm qua, HAH đã thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế, do đó công ty cũng dễ bị ảnh hưởng hơn trước những biến động của thị trường. Tuy nhiên, khi chúng tôi đánh giá rủi ro liên quan đến việc giảm giá cước vận tải hiện tại, chúng tôi cho rằng HAH vẫn có thể duy trì mức lợi nhuận cao đến năm 2024 do công suất tăng lên.
Trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ duy trì ở mức cao trong quý 3/2022 (tăng hơn 100% so với cùng kỳ) và bắt đầu giảm tốc kể từ quý 4/2022 (tăng trên 20% so với cùng kỳ) do nền so sánh cao hơn.
Xem thêm: CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An bị xử phạt 70 triệu đồng
Khuyến nghị mua cổ phiếu MBB với giá mục tiêu 35.100 đồng/cp
CTCK Bản Việt - VCSC
VCSC điều chỉnh giảm giá mục tiêu 3,6% còn 35.100 đồng/cp nhưng duy trì khuyến nghị cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank, Sàn HOSE). Giá mục tiêu thấp hơn của VCSC chủ yếu là do (1) điều chỉnh giảm P/B mục tiêu của VCSC từ 1,80 lần xuống 1,75 lần và (2) giả định chi phí vốn của VCSC tăng từ 12,5% lên 13,0%, ảnh hưởng đến tác động từ (3) tăng 1,0% tổng LNST dự báo giai đoạn 2022-2026 của VCSC.
VCSC tăng dự phóng thu nhập ròng năm 2022 thêm 0,6% lên 18,5 nghìn tỷ đồng (+39,9% YoY) so với dự báo trước đó do thu nhập lãi ròng tăng 4,1% bù đắp cho mức giảm 8,9% của thu nhập ngoài lãi (NOII).
VCSC giảm giả định tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 từ 25% xuống 20% để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 14%. Tuy nhiên, mức này vẫn thuộc nhóm cao trong danh mục theo dõi của VCSC khi VCSC cho rằng, MBB sẽ nhận được hạn mức tín dụng ưu đãi nhờ là 1 trong 4 ngân hàng trong danh mục theo dõi của VCSC - cùng với VCB, VPB và HDB - đang tham gia hỗ trợ một tổ chức tín dụng gặp khó khăn (DCI) bên cạnh mức tăng trưởng lợi nhuận cao và chất lượng tín dụng ổn định.
MBB là một ngân hàng lớn với hệ số CAR ở mức 11,15% so với mức trung bình trong danh mục theo dõi của VCSC là 11,50% (không bao gồm LPB do không có dữ liệu) tính đến quý 2/2022. Trước đó, MBB dự kiến có hạn mức tăng trưởng tín dụng bất thường là 30% -35% do tham gia chương trình hỗ trợ DCI; tuy nhiên, VCSC tin rằng sự thận trọng trong chính sách ứng phó lạm phát ở Việt Nam đã làm giảm khả năng này, do đó khiến giả định tăng trưởng tín dụng thấp hơn cho năm 2022.
Một yếu tố khác thúc đẩy việc cắt giảm giả định tăng trưởng tín dụng của VCSC là tăng trưởng huy động cho thấy ít có dấu hiệu có khả năng tăng mạnh trong trưởng tín dụng khi tăng trưởng huy động 6 tháng đầu năm 2022 là 3,2% so với mức trung bình của các ngân hàng khác là 6,8%.
Tỷ trọng đóng góp của bất động sản trong tổng số dư trái phiếu doanh nghiệp của MBB giảm trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong quý 2/2022, trái phiếu doanh nghiệp chiếm 10,7% tổng dư nợ tín dụng so với 10,4% năm 2021. Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đóng góp khoảng 32% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trong quý 2/2022 so với 38% năm 2021. Trong khi đó, trái phiếu từ lĩnh vực năng lượng tái tạo chiếm 43% trái phiếu doanh nghiệp trong quý 2/2022.
MBB đã có những bước tiến lớn trong việc thu hút khách hàng trong 18 tháng qua. Tính đến quý 2/ 2022, MBB có khoảng 16 triệu khách hàng, với 10,5 triệu mới trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, MBB đã thu hút khoảng 3 triệu người dùng ứng dụng ngân hàng mới trong nửa đầu năm 2022 (+230% YoY).
VCSC tin rằng những thành tựu này là nhờ MBB liên tục cải thiện trải nghiệm khách hàng cùng với sự phát triển nhanh chóng các tính năng mới trong ứng dụng ngân hàng. MBB là ngân hàng duy nhất trong danh mục theo dõi của VCSC cho thấy sự cải thiện trong tỷ lệ CASA quý 2/2022 so với quý trước.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSB
CTCK Phú Hưng - PHS
Bất chấp giãn cách xã hội, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB – sàn HOSE) năm 2021 đạt 23.1%, thuộc top 25% ngân hàng có tăng trưởng tín dụng mạnh nhất. Chiến lược mạng lưới phân phối đa kênh, hoàn thiện kênh đối tác, và các kênh bán trực tiếp là lực lượng nòng cốt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Hơn nữa, chiến lược phát triển hệ sinh thái số, kênh số và chiến lược chuỗi cũng sẽ tạo động lực tăng trưởng tín dụng cho MSB trong tương lai. Trong năm 2022, ngân hàng tiếp tục hai dự án chiến lược gồm thay mới Core-banking và xây dựng nhà máy số.
Vào ngày 3/3/2021, MSB đã hoàn thành việc gia hạn hợp đồng bancassurance độc quyền với Prudential trong vòng 15 năm. Dự kiến, hoạt động này sẽ tạo ra nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng đều 30% qua các năm cho MSB, chưa tính phí trả trước.
Đến gần cuối tháng 8/2022, NHNN chưa có động thái nới room tín dụng. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm tăng trưởng tín dụng năm 2022 của MSB còn 20%. Chúng tôi cho rằng xu hướng tăng lãi suất sẽ diễn ra nhanh chóng hơn vào nửa cuối năm 2022. Qua đó, duy trì ước tính NIM của MSB sẽ đạt 3,68%, không đổi so với năm 2021.
Do tăng trưởng tín dụng của MSB được kỳ vọng sẽ chậm lại trong năm 2022, sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi điều chỉnh giảm giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu MSB còn 29.500 đồng/CP. Dù vậy, nhờ các yếu tố nội tại của ngân hàng và sự cải thiện chất lượng tài sản, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu MSB.
Xem thêm: Ngân hàng MSB phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ