Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 29/7, bao gồm: PNJ, HPG, TCB.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 29/7, bao gồm: PNJ, HPG, TCB.
Duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ
CTCK ACB - ACBS
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) công bố doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2022 đạt 18.210 tỷ đồng (+56,5% n/n) và LNST 1.088 tỷ đồng (+48% n/n), cao hơn dự phóng của ACBS khoảng 20% về doanh thu và 12% về LNST. Ngoài tăng trưởng từ nền thấp của tháng 6/2021, các yếu tố như doanh thu vàng miếng tăng vọt (+75,6% n/n), phân khúc bán lẻ tăng trưởng tốt (+88,7% n/n) dù là mùa thấp điểm và việc tối ưu hóa chi phí giúp công ty có kết quả quý 2 cao hơn kỳ vọng của ACBS. Doanh thu và LNST quý 2/2022 lần lượt tăng 81,1% và 64,8% n/n.
Doanh thu bán lẻ tăng 61,9% n/n trong 6 tháng đầu năm 2022, nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của các cửa hàng hiện có (mặc dù công ty không công bố con số cụ thể) và đóng góp của các cửa hàng mới. Tính đến cuối tháng 6/2022, PNJ có 351 cửa hàng (cuối 2021: 341) đang hoạt động, với 332 cửa hàng vàng (cuối 2021: 319). Công ty ghi nhận sự gia tăng số lượng khách hàng mới, giá trị hóa đơn và tần suất quay lại mua hàng của khách hàng hiện hữu. Hoạt động chuyển đổi số giúp PNJ nâng cao năng lực phân tích dữ liệu từ đó đưa ra các chương trình marketing hiệu quả và danh mục sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Doanh thu vàng miếng và các sản phẩm có hàm lượng vàng cao tăng 65,6% n/n trong 6 tháng đầu năm 2022, do nhu cầu cao đối với các sản phẩm này như là tài sản trú ẩn an toàn hoặc đầu tư/đầu cơ trong bối cảnh lo ngại về lạm phát và bất ổn địa chính trị toàn cầu. Ngoài mảng bán lẻ và vàng miếng, doanh thu bán sỉ cũng tăng 30,1% n/n trong 6 tháng đầu năm 2022, trong đó doanh thu tháng 6/2022 tăng 191% từ mức thấp trong tháng 6/2021.
Biên lợi nhuận gộp toàn công ty đạt 17,6% so với 18,6% trong cùng kỳ năm ngoái, do tỷ trọng doanh thu vàng miếng tăng lên và thay đổi cơ cấu sản phẩm bán lẻ khi mở rộng vào thị trường tier 2&3. Tuy vậy, tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý trên lợi nhuận gộp giảm (54,6% trong 6T2022 so với 55,6% trong 6 tháng đầu năm 2021) đã hỗ trợ lợi nhuận của công ty. ACBS giả định biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện trong những quý tiếp theo nhờ tỷ trọng phân khúc bán lẻ gia tăng.
Công ty đang theo dõi tác động của lạm phát đối với chi tiêu của người tiêu dùng, mặc dù ban lãnh đạo công ty cho biết hoạt động kinh doanh cho đến hiện tại vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều. ACBS cho rằng tác động của lạm phát lên hoạt động kinh doanh của PNJ có thể ít đáng lo ngại hơn nhờ công ty tập trung vào phân khúc khách hàng trung/cao cấp, trừ khi tỷ lệ lạm phát tăng đột biến.
PNJ đang trong quá trình nghiên cứu thêm một nhà máy mới hiện đại nhằm mở rộng năng lực sản xuất trong dài hạn. Một phần trong số tiền thu được từ đợt phát hành riêng lẻ vừa qua sẽ tài trợ cho nhà máy này. ACBS sẽ cập nhật thêm khi có thông tin chi tiết.
Với kết quả ấn tượng của 6 tháng đầu năm 2022 và kỳ vọng mức tăng trưởng cao trong quý 3/2022 trên nền thấp của quý 3/2021, ACBS điều chỉnh tăng dự phóng doanh thu và LNST của công ty lên 33.895 tỷ đồng (+73,4% n/n) và 1.936 tỷ đồng (+88,2% n/n) cho năm 2022, lần lượt tăng 19% và 10% so với dự phóng trước đó. Kết hợp phương pháp DCF và P/E, ACBS định giá cổ phiếu là 133.026 đồng/cổ phiếu, tương đương với tổng tỷ suất lợi nhuận là 20,6% vào cuối 2022. Theo đó, duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ.
Xem thêm: Chứng khoán Mỹ phục hồi sau quyết định của Fed
Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 27.000 đồng/cp
CTCK SSI - SSI Research
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022, trong đó doanh thu tăng 7% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận ròng giảm 59% so với cùng kỳ xuống còn 4.023 nghìn tỷ đồng, thấp hơn kỳ vọng của SSI. Việc lợi nhuận giảm mạnh có thể do biên lợi nhuận thu hẹp trong bối cảnh giá thép giảm và chi phí đầu vào tăng lên, đặc biệt là giá than cốc.
Lũy kế, doanh thu của HPG trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 82,12 nghìn tỷ đồng, trong khi lợi nhuận ròng giảm 27% so với cùng kỳ, xuống 12,23 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 49% kế hoạch năm. Hiện tại, SSI khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HPG, với giá mục tiêu 1 năm là 27.000 đồng/cổ phiếu. SSI sẽ cập nhật ước tính và định giá sau khi công ty công bố báo cáo tài chính đầy đủ cho quý 2/2022.
Khuyến nghị mua cổ phiếu TCB với giá mục tiêu 53.300 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam - KBSV
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) ghi nhận thu nhập lãi thuần quý II/2022 đạt 7.794 tỷ đồng (giảm 3,9% so với quý trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái), thu nhập ngoài lãi đạt 3.241 tỷ đồng (tăng 62,5% so với quý trước và tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái).
Chi phí dự phòng chỉ khoảng 417 tỷ đồng, gần gấp 2 quý I/2022 nhưng giảm mạnh 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý II/2022 tăng khoảng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái và 7,9% so với quý trước, đạt 7.321 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 14.106 tỷ đồng (tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 52% kế hoạch năm.
Lợi suất bình quân từ hoạt động cho vay vẫn tiếp tục giảm tới 37bps so với quý trước do khó khăn trong hoạt động cho vay cũng như tỷ suất sinh lời của danh mục chứng khoán đầu tư giảm 1,21 điểm %. Lãi suất đầu vào bình quân chỉ tăng nhẹ 7bps so với quý trước, đạt 2,22%. NIM giảm mạnh 44bps so với quý trước, xuống còn 7,43%.
Tăng trưởng cho vay khách hàng duy trì khả quan ở mức 12,8% so với thời điểm đầu năm, trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm 21,2%. Tín dụng từ đó tăng 7,6%. Huy động từ thị trường liên ngân hàng tăng mạnh 25,6%, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá lần lượt tăng nhẹ ở mức 2,2% và 10,2%
Tỷ lệ nợ xấu quý II/2022 giảm 7 bps so với quý trước xuống chỉ còn 0,6%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng 10 điểm % so với quý trước lên mức 172%. Nợ tái cơ cấu tiếp tục đến cuối quý II chỉ còn khoảng 500 tỷ đồng (chiếm 0,13% cho vay gộp).
Vào 26/6/2022, Techcombank hoàn tất huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá lên tới 1 tỷ USD. Khoản huy động này sẽ bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho Techcombank, giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn cho khách hàng.
Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi điều chỉnh mức giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu TCB xuống 53.300 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.
Xem thêm: Sắc xanh chiếm đa phần chứng khoán châu Á