Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 23/8, bao gồm: DPM, PVT, C4G.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 23/8, bao gồm: DPM, PVT, C4G.
Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu DPM
CTCK SSI - SSI
Cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP đạt doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 5 nghìn tỷ đồng (tăng 71% so với cùng kỳ) và 1,6 nghìn tỷ đồng (tăng 101% so với cùng kỳ) trong quý II/2022.
Mặc dù vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm tốc so với mức tăng trưởng đột biến 1.496% so với cùng kỳ trong quý IV/2021 và 1,088% so với cùng kỳ trong quý I/2022. Chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục giảm trong quý III/2022 và thậm chí có thể âm trong quý IV/2022.
Chúng tôi ước tính thu nhập ròng năm 2022 là 5,1 nghìn tỷ đồng (tăng 61% so với cùng kỳ). Đối với năm 2023, chúng tôi giả định giá urê đầu vào sẽ giảm so với mức cơ sở cao được thiết lập trong năm nay, và do cả Nga và Trung Quốc đều sẽ tăng sản lượng xuất khẩu, nên giá bán bình quân của urê sẽ giảm đi.
Chúng tôi điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận ròng năm 2023 (từ 4,1 nghìn tỷ đồng) xuống 4 nghìn tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ).
Chúng tôi cũng chuyển cơ sở định giá đến năm 2023. Do đó, chúng tôi đưa ra giá mục tiêu mới là 48.000 đồng/cổ phiếu (giảm từ 59.600 đồng/cổ phiếu). Chúng tôi duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu DPM.
Khuyến nghị mua PVT với mức giá mục tiêu là 29.200 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam - KBSV
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) ghi nhận 2.265 tỷ đồng (tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Doanh thu ghi nhận sự tăng trưởng nhờ vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là mảng vận chuyển tăng trưởng mạnh (tăng 27%). Tuy nhiên, doanh thu tài chính của PVT sụt giảm và chi phí tài chính tăng mạnh khiến cho lợi nhuận ròng của PVT đi lùi, đạt 266 tỷ đồng (giảm 16,5%).
Chúng tôi cho rằng, với diễn biến từ xung đột Nga - Ukraine và các lệnh cấm vận lên các sản phẩm dầu của Nga sẽ thúc đẩy nhu cầu vận chuyển nguồn thay thế để bù đắp sản lượng thiếu hụt, dẫn tới giá cước thuê tàu cao hơn trong nửa cuối năm 2022 và 2023. Đây sẽ là yếu tố giúp PVT tăng giá cước trong nửa cuối năm 2022 khi các hợp đồng cho thuê T/C của công ty sẽ được đàm phán gia hạn trong thời gian này với trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển cao hơn, đặc biệt là mảng dầu thô và dầu sản phẩm.
KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận gộp trong nửa cuối năm 2022 của PVT sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt 3.621 tỷ đồng (tăng 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 556 tỷ đồng (tăng trưởng 19,8%).
Chúng tôi đánh giá cao kế hoạch mở rộng đội tàu của PVT. Với vị thế đầu ngành, việc nâng số lượng tàu sẽ giúp cho triển vọng dài hạn của PVT được đảm bảo hơn nhờ vào các tàu mới chạy tuyến định hạn quốc tế với lợi thế chi phí nhân công rẻ hơn so với các chủ tàu nước ngoài.
Với kế hoạch mở rộng trong 2022-2023, chúng tôi dự kiến tổng công suất đội tàu của PVT sẽ đạt 1.565 nghìn DWT vào cuối năm 2023 so với mức 942 nghìn DWT vào cuối năm 2021.
Chúng tôi sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp (FCFF) và P/E với tỷ lệ 50% cho mỗi phương pháp để đưa ra khuyến nghị mua cho PVT với mức giá mục tiêu là 29.200 đồng/CP, tương đương với upside 39,7% so với giá đóng cửa 20.900 đồng/CP ngày 22/08/2022.
Xem thêm: Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất trong cả nước
Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu C4G với giá mục tiêu 16.900 đồng/cp
CTCK VNDirect - VND
CTCP Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM - Mã: C4G) đã công bố KQKD quý 2/2022 (Q2/22) ấn tượng với doanh thu (DT) và LN ròng tăng lần lượt 42,6%/128,6% svck lên 952 tỷ đồng/52 tỷ đồng.
Biên LN gộp trong kỳ ghi nhận giảm 7,3 điểm % svck do (1) biên LN gộp mảng xây lắp chỉ đạt 0,6%, thấp nhất kể từ khi niêm yết khi chịu ảnh hưởng của giá vật liệu xây dựng cao và (2) tỷ trọng đóng góp lớn hơn của mảng BĐS trong tổng doanh thu với việc chuyển nhượng dự án Long Sơn 2&4 – có biên LN gộp thấp.
Tuy nhiên thu nhập tài chính Q2/22 chỉ lỗ 7 tỷ đồng (từ mức lỗ 61 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước) nhờ nợ vay ròng cuối Q2/22 đã giảm 18% so với đầu năm sau khi công ty đã hoàn thành việc phát hành cho cổ đông hiện hữu trong Q1/22. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 (6T22), DT và LN ròng của C4G lần lượt đạt 1.379 tỷ đồng/84 tỷ đồng, hoàn thành 38,8% dự phóng LN ròng cả năm của VND.
VND tin rằng C4G đang sở hữu vị thế hàng đầu để hưởng lợi từ nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông mạnh mẽ tại Việt Nam nhờ (1) năng lực thi công vượt trội với việc đã hoàn thành nhiều công trình khó như cao tốc, đường băng sân bay, cầu vượt biển,… và (2) năng lực tài chính được cải thiện đáng kể trong năm 2022, giúp C4G có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn đấu thầu khắt khe và chủ động nguồn lực để hoàn thiện các công trình đúng thời hạn thi công. Do đó, VND kỳ vọng doanh thu mảng xây lắp có thể đạt tăng trưởng kép 39% cho giai đoạn 2022-2023.
VND kỳ vọng LN ròng của C4G sẽ tăng trưởng kép 67,7% trong giai đoạn 2022-23 được hỗ trợ bởi (1) DT mảng xây lắp tăng trưởng kép 39% nhờ giá trị backlog còn lại lớn và triển vọng ký mới khả quan và (2) chi phí lãi vay giảm 29% svck trong năm 2022 nhờ dòng tiền huy động được trong năm giúp C4G cải thiện vốn lưu động.
Theo đó, VND khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu 16.900 đồng/cp. Giá mục tiêu 16.900 đồng/cp của VND dựa trên phương pháp định giá tổng giá trị thành phần (SOTP). Tiềm năng tăng giá cổ phiếu là công ty trúng nhiều gói thầu hơn dự kiến tại các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Rủi ro giảm giá cổ phiếu là dòng tiền tại các dự án BOT kém hơn so với dự kiến.
Xem thêm: Hoạt động bán tháo ở thị trường điện tử đẩy Bitcoin xuống 22.000 USD