Độ rộng thị trường 3 phiên liên tiếp đều nghiêng về bên bán, điều đó cho thấy dù chỉ số tăng hoặc điều chỉnh nhẹ nhưng giá cổ phiếu giảm nhiều hơn trên diện rộng.
Độ rộng thị trường 3 phiên liên tiếp đều nghiêng về bên bán, điều đó cho thấy dù chỉ số tăng hoặc điều chỉnh nhẹ nhưng giá cổ phiếu giảm nhiều hơn trên diện rộng.
Có thể chốt lời dần ở các cổ phiếu đã tăng mạnh
CTCK MB - MBS
Thị trường đã có dấu hiệu điều chỉnh trong những phiên gần đây khi tín hiệu từ nhóm midcap và smallcap. Chỉ số VN-Index tuy giảm phiên thứ 2 liên tiếp nhưng vẫn tăng một mạch 6 tuần liền.
Do vậy, nếu tham chiếu chỉ số chung sẽ không phản ảnh đúng diễn biến ở chỉ số. Độ rộng thị trường 3 phiên liên tiếp đều nghiêng về bên bán, điều đó cho thấy dù chỉ số tăng hoặc điều chỉnh nhẹ nhưng giá cổ phiếu giảm nhiều hơn trên diện rộng.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index tiếp tục không vượt cản ở ngưỡng MA100 ngày cũng có thể là tín hiệu điều chỉnh kỹ thuật.
Do vậy, nhà đầu tư có thể chốt lời dần ở các cổ phiếu đã tăng mạnh và cơ cấu danh nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều.
Có lẽ vẫn sẽ giằng co quanh 1.270 - 1.275 điểm
CTCK BIDV - BSC
Phiên cuối tuần trước, thị trường tiếp tục có một phiên lưỡng lự với cây nến có bóng nến trên dưới đều dài. Sau một phiên giằng co thì VN-Index đóng cửa giảm nhẹ hơn 4 điểm so với trước đó, thanh khoản khiêm tốn. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 13/19 ngành giảm điểm.
Trong những phiên tới, thị trường có lẽ vẫn sẽ có những phiên giằng co quanh ngưỡng 1.270 - 1.275 điểm.
Tái cơ cấu lại danh mục
CTCK Phú Hưng – PHS
Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm thứ hai liên tiếp. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền có phần thận trọng. Không những vậy, chỉ số không thể vượt qua được sức ép từ MA100 và suy giảm xuống dưới MA5, cho thấy áp lực điều chỉnh đang mạnh lên. Tuy nhiên, chỉ số vẫn giữ được đóng cửa trên MA20, cùng với đường MA này đang hướng lên tích cực, cho thấy xu hướng chính trong ngắn hạn vẫn là phục hồi, nhịp giảm điểm hiện tại có thể chỉ mang tính điều chỉnh kỹ thuật, với hỗ trợ gần quanh 1.243 điểm (MA20) hoặc xa hơn là vùng 1.211 điểm (MA50).
Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên giảm thứ tư liên tiếp nhưng vẫn đóng cửa trên MA20, cho thấy xu hướng chính trong ngắn hạn vẫn là phục hồi, phiên giảm có thể chỉ là nhịp điều chỉnh kỹ thuật với hỗ trợ gần quanh 296 điểm (MA20) hoặc xa hơn quanh vùng 286 điểm (MA50).
Nhìn chung, thị trường đang tiếp diễn nhịp điều chỉnh kỹ thuật. Do đó, nhà đầu tư cân nhắc tận dụng nhịp điều chỉnh để tái cơ cấu lại danh mục hợp lý hơn. Trong đó, ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh khả quan và đang thu hút được dòng tiền mạnh.
Kiên nhẫn chờ đợi thêm trước khi nghĩ tới ý định gia tăng tỷ trọng cổ phiếu
CTCK Tân Việt - TVSI
Diễn biến thị trường cho thấy áp lực và rủi ro ngắn hạn đang ngày một tăng lên khi số lượng cổ phiếu giảm đang áp đảo. Điều này cho thấy các hoạt động giao dịch ngắn hạn T+ đang dần rơi vào tình trạng có lãi ít hoặc thua lỗ nhiều hơn là có lợi nhuận.
Nhiều cổ phiếu đã chững lại đà tăng trong thời gian gần đây và áp lực bán khá đều đặn kể cả khi chỉ số tăng điểm.
Chúng tôi đã đề cập tới vấn đề này trong bản tin trước, bởi theo góc nhìn của chúng tôi nhiều cổ phiếu đã hết động lực hồi phục.
Thị trường và nhiều cổ phiếu đang đối mặt với áp lực điều chỉnh ngắn hạn và chúng tôi cho rằng, những nhà đầu tư ngắn hạn đã giảm tỷ trọng trong tuần qua nên tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thêm trước khi nghĩ tới ý định gia tăng tỷ trọng trở lại.
Xem thêm: Không hạ chuẩn, nới lỏng các điều kiện tín dụng trong quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất
Chậm lại để quan sát áp lực cung cầu tại vùng cản
CTCK Rồng Việt - VDSC
Phiên cuối tuần trước, thị trường tiếp tục thất bại trong việc nới rộng đà tăng lên trên vùng cản 1.280 điểm và lùi bước do lực cầu giá cao vẫn còn thận trọng.
Tuy nhiên, thị trường cũng đã ghi nhận tín hiệu gia tăng của dòng tiền bắt đáy khi VN-Index lao nhanh về vùng hỗ trợ 1.262-1.268 điểm và vùng 1.290 điểm của VN30-Index.
Với động thái hỗ trợ ngắn hạn này, thị trường vẫn còn cơ hội được hỗ trợ và tăng điểm trở lại. Tuy nhiên, mẫu hình nến Doji tại vùng cản SMA100 trong đồ thị tuần có thể sẽ gia tăng áp lực bán trên vùng cản 1.280-1.285 điểm trong tuần kế tiếp.
Do đó, nhà tư vẫn nên chậm lại để quan sát áp lực cung cầu tại vùng cản để chủ động chốt lời ở những cổ phiếu yếu.
Quá trình rung lắc liên tục sẽ xảy ra
CTCK Sài Gòn - Hà Nội - SHS
Trong tuần đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 8/2022, thị trường vẫn có thể duy trì được đà tăng điểm nhưng sự thận trọng của nhà đầu tư đã gia tăng so với thời gian trước đó. Điều này thể hiện qua dòng tiền trong tuần qua có sự suy giảm nhẹ. Cũng như diễn biến của các nhóm ngành và các cổ phiếu chủ yếu vẫn là đi ngang và giằng co trong tuần qua với mức tăng cũng như mức giảm khá nhẹ.
Trên góc độ kỹ thuật, Thị trường vẫn phân hóa mạnh trong vùng kháng cự trong khoảng 1.260 - 1.285 điểm với quá trình rung lắc liên tục sẽ xảy ra để hấp thu áp lực cung vùng giá cao, cũng như thu hút lực cầu mới đối với các mã, nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt. Phù hợp với động thái tái cơ cấu danh mục của các nhà đầu tư.
Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng hợp lý và có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng trong quý III/2022, báo cáo quý II/2022 duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt và đang thu hút dòng tiền ngắn hạn gia tăng.
Ưu tiên vị thế quan sát, hạn chế giải ngân
CTCK Kiến Thiết Việt Nam - CSI
Mặc dù có hai phiên giảm điểm cuối tuần trước, nhưng tổng kết lại tuần qua, VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh, hình thành tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp.
Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy khả năng sẽ có nhịp chỉnh sau quá trình hình thành hồi phục trước đó.
Thứ nhất: Trên biểu đồ tuần xuất hiện nến Doji báo hiệu đà tăng đã bị chững lại trước áp lực chốt lời gia tăng.
Thứ hai: Ngưỡng kháng cự mạnh 1.280-1.284 điểm được VN-Index test trong 3 phiên nhưng không thể chinh phục được.
Thứ ba: Thanh khoản trong tuần qua đang có chiều hướng sụt giảm so với 2 tuần trước đó.
Đó là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy áp lực chốt lời đã xuất hiện, chốt chặn khiến VN-Index không thể vượt ngưỡng kháng cự.
Về xu hướng, tín hiệu hồi phục vẫn đang khá mạnh, nhưng chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ có nhịp chỉnh về vùng hỗ trợ 1.220 điểm để mở vị thế mua mới.
Còn trong hiện tại, tiếp tục ưu tiên vị thế quan sát, hạn chế giải ngân (trừ trường hợp VN-Index bứt phá mạnh vượt ngưỡng 1.285 với thanh khoản bùng nổ).
Xem thêm: Thủ tướng phân công 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022