Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 21/7, bao gồm: VGC, HSG, FPT.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 21/7, bao gồm: VGC, HSG, FPT.
Khuyến nghị mua cổ phiếu VGC ở mức giá hiện tại
CTCK Yuanta Việt Nam - FSC
Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSE - Mã: VGC) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 rất khả quan với LNTT đạt 1.740 tỷ đồng, tăng trưởng 121% YoY và vượt kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2022. Công ty chưa công bố BCTC quý 2/2022, tuy nhiên FSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong 6 tháng đầu năm chủ yếu được thúc đẩy bởi tăng trưởng của các mảng khu công nghiệp, bất động sản và kính nổi.
VGC đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 đạt 15 nghìn tỷ đồng (+34% YoY) và LNTT đạt 1.7 nghìn tỷ đồng (+10% YoY). Sự phục hồi của mảng VLXD và cho thuê KCN ổn định với giá cho thuê tăng được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu. Công ty dự kiến sẽ bàn giao khoảng 170ha đất tại các KCN trong năm nay.
VGC đặt kế hoạch tổng vốn đầu tư cơ bản dự kiến là 3 nghìn tỷ đồng (+44% YoY), trong đó 2,5 nghìn tỷ đồng sẽ được đầu tư vào các KCN (+31% YoY). Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.886 tỷ đồng tại Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PFG) do VGC sở hữu 65% cổ phần đã được thông qua. Vốn tăng lên sẽ được huy động từ China Triumph International Engineering Group (CTIEC) – cổ đông sở hữu 35% cổ phần.
Theo đó, VGC sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống 55% cổ phẩn (từ 65% cổ phần trước đó) tại PFG. Khoản tiền thu về sẽ được sử dụng để xây dựng nhà máy Phú Mỹ GĐ2 với công suất dự kiến là 900 tấn/ngày so với 600 tấn/ngày của giai đoạn 1. Bên cạnh đó, VGC dự kiến sẽ bổ sung 2,000ha quỹ đất KCN mới vào kế hoạch phát triển của Công ty trong 2 năm tới.
Ở mức giá hiện tại, cổ phiếu đang được giao dịch tại P/E là 13.8x. Mức Stock Rating của VGC ở mức 96 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của VGC đóng cửa tăng 7% với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu kết thúc giai đoạn tích lũy và xu hướng ngắn hạn của VGC cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi xu hướng ngắn hạn của thị trường xác nhận xu hướng tăng.
Xem thêm: Chứng khoán Mỹ phục hồi khi giới đầu tư tin thị trường đã chạm đáy
Khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu HSG với định giá 18.900 đồng/cp
CTCK Mirae Asset Việt Nam – MASVN
Trong 6 tháng đầu năm 2022, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE - Mã: HSG) ghi nhận doanh thu tăng mạnh, đạt 29.708 tỷ đồng (+48,3% cùng kỳ) nhờ giá HRC duy trì ở mức trên 800 USD/tấn giai đoạn tháng 9/2021 – tháng 3/2022. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng lại đi ngược chiều khi chỉ đạt 872 tỷ đồng (-47,8% cùng kỳ) do hàng tồn của HSG hầu hết mua vào giai đoạn giá HRC ở mức trên 800 USD/tấn. So với kế hoạch đưa ra trong ĐHCĐ, HSG đã đạt lần lượt đạt 64,5% và 43% về doanh thu và lợi nhuận ròng.
Giá HRC liên tục giảm từ tháng 4/2022. Thị trường HRC trong tháng 1- tháng 6/2022 chứng kiến sự trái ngược khi chi phí đầu vào như than, nhiên liệu đốt đã tăng trên 50% nhưng giá HRC toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm do nhu cầu xây dựng giảm mạnh. Cụ thể, giá HRC Trung Quốc và Mỹ trong tháng 6/2022 đã giảm về mức USD 694/tấn và USD 1.200/tấn, lần lượt giảm 10% và 25% so với thời điểm đầu năm 2022.
Tỷ lệ hàng tồn kho/tổng tài sản (HTK/TTS) tăng lên mức kỷ lục 61% ở cuối tháng 3/2022 tạo rủi ro lớn về mặt lợi nhuận cho HSG trong 6 tháng cuối năm 2022 trong bối cảnh từ tháng 4/2022 giá thép nội địa lẫn HRC đã giảm hơn 20%. Do đó, MASVN dự phóng biên lợi nhuận gộp của HSG trong năm tài chính 2022 sẽ giảm mạnh về mức 13% so với 18% năm 2021 trước áp lực phải hạ hàng tồn kho ở giá cao.
Thị trường nội địa lẫn xuất khẩu của HSG chịu nhiều khó khăn trước áp lực lạm phát và giá thép sụt giảm. Sản lượng của HSG trong tháng 10/2021 – 05/2022 sụt giảm cả ở thị trường xuất khẩu lẫn nội địa, với tổng sản lượng đạt 1.264 triệu tấn (-7,3% cùng kỳ). Trong đó, sản lượng xuất khẩu chiếm 56,4%, tương ứng với sản lượng 713.746 tấn (-9% cùng kỳ). Trong bối cảnh dư cung và tồn kho ở mức kỷ lục, MASVN hạ dự phóng sản lượng thép và tôn mạ của HSG trong năm tài chính 2022 xuống 2,084 triệu tấn (-9,2% CK). Năm tài chính 2023, MASVN dự phóng ngành thép có sự phục hồi về sản lượng dựa trên dự phóng giá vật liệu xây dựng giảm thúc đẩy ngành xây dựng. Sản lượng ống thép và tôn mạ của HSG trong năm tài chính 2023 dự kiến lần lượt đạt 1,77 triệu tấn (+6% cùng kỳ) và 361.490 tấn (+12% cùng kỳ).
Dự phóng doanh thu và lợi nhuận năm 2022 – 2023. Lợi nhuận ròng của HSG trong năm tài chính 2022 ước đạt 1.333 tỷ đồng (-69% cùng kỳ). Tuy nhiên, MASVN cho rằng, năm 2023 thị trường nội địa lẫn xuất khẩu sẽ hồi phục. Doanh thu và lợi nhuận dự phóng tương ứng cho năm 2023 lần lượt đạt 40.270 tỷ đồng (+1,8% cùng kỳ) và 1.597 tỷ đồng (+25,9% cùng kỳ).
Thị giá cổ phiếu HSG đã giảm 65% từ đỉnh về mức định giá tương đối hấp dẫn, do đó MASVN khuyến nghị Tăng tỷ trọng cổ phiếu HSG với định giá 18.900 đồng/cp, tương ứng PE 2022F là 7,2x.
Khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 115.000 đồng/CP
CTCK Agribank - AGR
Quý II, doanh thu và lợi nhuận trước thuế CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) lần lượt đạt 10.096 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái) và 1.858 tỷ đồng (tăng trưởng 21%).
Lũy kế 6 tháng năm 2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế FPT tiếp tục tăng trưởng trên 20% chủ yếu nhờ mảng công nghệ nước ngoài doanh thu tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó mảng viễn thông cũng đóng góp vào tốc độ tăng của lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2022, FPT duy trì đà tăng tốt trên 20% về doanh thu và 30% về lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ. Lợi nhuận công ty tiếp tục tăng trưởng bền vững sẽ tạo động lực tăng 30% lợi nhuận cho cả năm 2022.
Với kết quả kinh doanh luôn tăng trưởng trên 20%/năm với tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt đều đặn 20% hàng năm, Agriseco Research đánh giá FPT sẽ vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn, phù hợp với xu hướng phát triển số hóa, công nghệ thông tin 4.0 các năm tới.
FPT hiện đang được giao dịch ở mức khá hấp dẫn P/Ef 2022 ở mức 15,9x. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 115.000 đồng/CP trong vòng 1 năm (Upside 39% từ thị giá hiện tại). Tỷ lệ cắt lỗ là 10%.
Phân tích kỹ thuật: FPT đã có nhịp tăng tốt từ vùng MA200 như nhận định trong báo cáo gần nhất của chúng tôi và vẫn giữ được xu hướng tăng giá ngắn hạn bất chấp nhịp điều chỉnh gần đây của thị trường. RSI vẫn đang duy trì trên ngưỡng trung tính trong khi Stochastic đang bắt đầu tạo đỉnh. Nhà đầu tư có thể canh giải ngân ở vùng giá 80.000-81.000 đồng/CP, cắt lỗ khi giá xuống dưới 80.000 đồng/CP và chốt lời từng phần khi giá chạm các ngưỡng kháng cự 95.000 đồng/CP (Fibonacci 61,8%) và 105.000 đồng/CP (Fibonacci 78,6%).
Xem thêm: Chứng khoán châu Á tăng điểm nhờ đợt phục hồi của Phố Wall