Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 15/8, bao gồm: PC1, LHG, VIB.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 15/8, bao gồm: PC1, LHG, VIB.
Khuyến nghị mua cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 50.700 đồng/cp
CTCK Yuanta Việt Nam - FSC
Doanh thu Q2/2022 của CTCP Tập Đoàn PC1 (HOSE: PC1) giảm -49,2% YoY, còn 1,5 nghìn tỷ đồng do ghi nhận giảm doanh thu mảng xây lắp điện (-69% YoY), sản xuất công nghiệp (-53,2% YoY), và bán hàng hóa – vật tư (-44,4% YoY). Ngược lại, doanh thu bán điện tăng đến +152% YoY, đạt 465 tỷ đồng do các nhà máy điện gió mới vận hành thương mại.
LNST của cổ đông công ty mẹ (PATMI) giảm -80,0% YoY trong Q2/2022, còn 62,9 tỷ đồng dù biên lãi gộp tăng +14,6 điểm % so với cùng kỳ và đạt 22,7%. Sở dĩ có sự chênh lệch là do công ty đã ghi nhận 200 tỷ đồng từ chi phí tài chính ròng vào Q2/2022, so với khoản thu nhập tài chính ròng trong Q2/2021 là 201 tỷ đồng. PC1 còn vốn hóa chi phí lãi vay cho 3 dự án điện gió mới. Cụ thể, chi phí lãi vay Q2/2022 là 142 tỷ đồng, gần như gấp đôi so với mức cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, mức tăng trưởng YoY của doanh thu hoạt động tài chính Q2/2021 khá cao do PC1 ghi nhận 262 tỷ đồng lãi từ đánh giá lại khoản đầu tư công ty con.
Do đó, PATMI 1H22 giảm -51,8% YoY còn 196 tỷ đồng, trong khi doanh thu giảm -34% YoY còn 3,0 nghìn tỷ đồng. PC1 ghi nhận chi phí tài chính là 305 tỷ đồng, so với thu nhập tài chính đạt 149 tỷ trong 1H21. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động 1H22 tăng +105% YoY, đạt 575 tỷ đồng.
Đòn bẩy tăng cao sau khi đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Nợ ròng tăng +44,9% YoY, đạt 7.901 tỷ đồng, phần lớn được sử dụng để tài trợ cho các nhà máy điện gió với tổng công suất là 144MW vận hành trong Q3/2021. Do đó, tỷ lệ nợ ròng / VCSH đạt 122% vào thời điểm cuối Q2/2022, tăng từ mức 93% vào cuối Q2/2021. Tuy nhiên, khả năng thanh toán lãi vay vẫn ở mức hợp lý là 2,3x trong 1H22, tăng từ 2,1x trong 1H21.
FSC duy trì khuyến nghị MUA và vẫn xem PC1 là lựa chọn hàng đầu trong ngành năng lượng. PC1 chỉ mới hoàn thành 27% dự báo doanh thu năm 2022E của FSC, nhưng FSC kỳ vọng công ty sẽ ghi nhận thêm 1 nghìn tỷ đồng từ việc bán bất động sản tại Gia Lâm và Đình Công vào 2H22.
Sự sụt giảm trong doanh thu xây lắp điện chỉ mang tính tạm thời. FSC kỳ vọng giá trị đơn hàng đã ký (backlog) còn lại trong mảng này sẽ tiếp tục được chuyển tiếp sang 2H22. Giá trị backlog vào thời điểm cuối Q1/2022 (số liệu mới nhất được công bố) là 4,7 nghìn tỷ đồng, chỉ giảm -3,6% YoY.
Chốt lãi cổ phiếu LHG tại ngưỡng 44.000 đồng/cp
CTCK BIDV - BSC
Cổ phiếu của CTCP Long Hậu (HOSE: LHG) có một phiên tăng điểm tốt với mẫu hình nến Marubozu cùng thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên. Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI cho thấy xu hướng tích cực. Đường giá cổ phiếu đã ở trên đường MA20 và M50 và đường MA20 đang ở trên MA50.
BSC khuyến nghị nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 38.7, chốt lãi tại ngưỡng 44.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 36.0.
Xem thêm: Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt
Khuyến nghị mua cổ phiếu VIB với giá mục tiêu là 42.800 đồng/cp
CTCK Phú Hưng - PHS
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VPBank, HOSE: VIB) kết thúc nửa đầu năm 2022, tín dụng tăng trưởng 9,7%. VIB ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại với thu nhập lãi thuần tăng 26% YoY lên 7.215 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng ghi nhận giảm nhẹ 2,6% YoY và đạt 1.529 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của VIB trong nửa đầu năm 2022 tăng trưởng chậm lại với mức tăng 27% YoY (so với mức tăng 69% YoY vào nửa đầu năm 2021) và đạt 4.018 tỷ đồng. Kết thúc nửa đầu năm 2022, NIM của VIB cải thiện 4 bps so với cuối năm 2021 lên 4,46%. Tỷ lệ nợ xấu của VIB đạt 1,74% vào cuối nửa đầu năm 2022.
Ngân hàng dẫn đầu tăng trưởng nhờ mở rộng các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cho vay mua ô tô của VIB đứng thứ 2 với thị phần 12% toàn thị trường, trong khi mảng Cho vay mua nhà có tăng trưởng cao nhất thị trường (tăng trưởng 96% vào năm 2017, 45% vào năm 2018, 46% vào năm 2019, 41% vào năm 2020, 25% vào năm 2021). Do đó, tăng trưởng tín dụng của VIB đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, với CAGR 26,5% trong giai đoạn 2018-2021, vượt xa tốc độ trung bình ngành 17%.
Khả năng cải thiện NIM được hỗ trợ bởi chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số. NIM của VIB tăng từ 2,9% vào năm 2016 lên 4,42% vào năm 2021, thuộc top những ngân hàng có NIM cao nhất.
NHNN sẽ điều hành lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, chính sách lãi suất, và các quan hệ vĩ mô khác, đồng thời tạo dư địa cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện. Do đó, PHS điều chỉnh giảm tăng trưởng tín dụng năm 2022 của VIB còn 21%.
PHS cho rằng, xu hướng tăng lãi suất sẽ diễn ra nhanh chóng hơn vào nửa cuối năm 2022. Qua đó, duy trì ước tính NIM của VIB sẽ thu hẹp 8 bps còn 4,34%. Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày 30/06/2022. Qua đó, PHS duy trì ước tính tỷ lệ nợ xấu của VIB đạt 2,62% vào năm 2022.
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, PHS xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu VIB là 42.800 đồng/cp. Khuyến nghị: Mua đối với cổ phiếu này.
Rủi ro: (1) Tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp nhất trong ngành, và việc gia tăng mạnh nợ cần chú ý, sẽ tạo sức ép lên lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2022; (2) Rủi ro lạm phát cao ảnh hưởng đến cho vay bán lẻ.
Xem thêm: FED sẽ tăng lãi suất tới đâu trong năm 2022 để kiềm chế lạm phát?