Bất ổn chính trị, chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng và lạm phát tăng vọt đang khiến Vương quốc Anh trở thành một “thị trường mới nổi”, nhận định của Ngân hàng Saxo.
Bất ổn chính trị, chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng và lạm phát tăng vọt đang khiến Vương quốc Anh trở thành một “thị trường mới nổi”, nhận định của Ngân hàng Saxo.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tuần trước cảnh báo rằng, nền kinh tế Anh sẽ bước vào cuộc suy thoái dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong quý IV/2022 và khiến GDP nước này giảm 2,1%. Trong khi đó, lạm phát được dự báo sẽ đạt đỉnh trên ngưỡng 13% vào tháng 10 tới.
Điều quan trọng là BoE dự đoán, kinh tế Anh sẽ không sớm phục hồi sau giai đoạn suy thoái này khi GDP vào giữa năm 2025 vẫn được dự kiến thấp hơn 1,75% so với ngưỡng hiện tại.
Trong một báo cáo nghiên cứu được công bố ngày 8/8, Christopher Dembik - Trưởng nhóm phân tích vĩ mô của ngân hàng Saxo - nhận định, nước Anh ngày càng giống như một thị trường mới nổi”.
Bên cạnh đó, mức giá trần năng lượng của Vương quốc Anh dự kiến sẽ tăng thêm 70% trong tháng 10, đẩy chi phí hóa đơn năng lượng trung bình hàng năm của quốc gia này lên trên ngưỡng 3.400 Bảng (tương đương 4.118 USD). Điều này sẽ khiến hàng triệu hộ gia đình Anh lâm vào cảnh nghèo đói.
Đáng chú ý, mức giá này dự kiến tiếp tục tăng vào đầu 2023.
Xem thêm: Chi phí sinh hoạt “bùng nổ”, kinh tế Anh quý II/2022 “đi lùi”
Không những thế, Anh cũng đang đối mặt với sự gián đoạn thương mại do Brexit và các quy tắc liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Dembik cho hay, yếu tố duy nhất giúp Anh khác biệt với một nền kinh tế mới nổi là cuộc khủng hoảng tiền tệ.
“Đồng nội tệ Anh chỉ giảm 0,70% so với đồng Euro và 1,5% so với USD trong tuần qua. Quan điểm của chúng tôi là, sau khi thành công duy trì được tính ổn định trong thời gian hậu Brexit, sẽ không có nhiều yếu tố khiến giá trị Bảng Anh rơi tự do”.
Tuy nhiên, ông cho rằng tất cả các chỉ số quan trọng hàng đầu đều cho thấy nền kinh tế Anh đang gặp nhiều khó khăn.
Ví dụ, lượng ô tô đăng ký mới - thường được coi là chỉ số hàng đầu phản ánh sức khỏe của nền kinh tế Anh - đã giảm từ 1,835 triệu vào tháng 7/2021 xuống còn 1,528 triệu vào tháng trước.
Dembik nói: “Đây là mức thấp nhất kể từ cuối những năm 1970, suy thoái sẽ còn kéo dài và hiển nhiên, để thoát ra được tình thế này là một điều không hề dễ dàng”.
Trong một diễn biến khác, niềm an ủi đối với kinh tế Anh chính là đợt tăng lãi suất tiếp theo của BoE vào tháng 9 tới sẽ là lần tăng lãi suất thứ 7 liên tiếp, đồng thời có thể sẽ chấm dứt đợt nâng lãi suất trong năm nay.
“Ngoài thị trường việc làm, xuất hiện một số các dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể đang bắt đầu hạ nhiệt. Hơn nữa, viễn cảnh về một cuộc suy thoái kéo dài (5 quý tăng trưởng âm bắt đầu từ quý IV/2022 cho đến quý IV/2023) chắc chắn sẽ đẩy Ngân hàng Trung ương Anh vào tình thế cẩn trọng hơn mỗi khi quyết định chính sách tiền tệ”, Dembik chia sẻ.
Xem thêm: BoE: Các ngân hàng lớn của Anh không còn "quá lớn để phá sản"