Khoảng 4,37 triệu doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc đã phải đóng cửa vĩnh viễn và chỉ có 1,32 triệu công ty mới mở trong 11 tháng đầu năm 2021.
Khoảng 4,37 triệu doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc đã phải đóng cửa vĩnh viễn và chỉ có 1,32 triệu công ty mới mở trong 11 tháng đầu năm 2021.
Dữ liệu của công ty theo dõi đăng ký doanh nghiệp Tianyancha cũng cho thấy lần đầu tiên sau hai thập kỷ, số doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ hủy đăng ký ở Trung Quốc đã vượt qua số doanh nghiệp mới mở.
Các con số này phần nào thể hiện tình hình kinh tế tại Trung Quốc vì Bắc Kinh xem hơn 40 triệu công ty siêu nhỏ và nhỏ tại nước này là “xương sống” của lĩnh vực tư nhân, làm nền tảng cho kinh tế quốc gia. Các nhà phân tích cho rằng cơn khủng hoảng đã đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc vào tình cảnh này sẽ làm tăng trưởng GDP của cả nước giảm xuống dưới 4% trong quý 4/2021.
Trong hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên vào đầu tháng 12/2021, Bắc Kinh cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với “áp lực gấp ba lần” từ sự sụt giảm nhu cầu, nguồn cung và dự báo ảm đạm.
Dữ liệu của Tianyancha cũng cho thấy khả năng số công ty hủy đăng ký trong năm 2021 sẽ vượt mốc 4,45 triệu của năm 2020. Đây đã là mức cao nhất trong lịch sử Trung Quốc khi gần như gấp đôi con số của năm 2019 và gấp khoảng 10 lần số liệu năm 2018.
Mỗi tháng trong năm 2021, trung bình có 397.435 công ty siêu nhỏ và nhỏ đóng cửa ở Trung Quốc, vượt qua mức trung bình hàng tháng là 370.782 của năm 2020. Tuy nhiên, số doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đăng ký mới ở Trung Quốc năm 2020 là 6,13 triệu. Dù con số này đánh dấu sự sụt giảm mạnh sau nhiều năm, nó vẫn cao hơn số doanh nghiệp phá sản. Sự sụt giảm này càng trở nên trầm trọng hơn vào năm 2021, khi chỉ có 1,32 triệu công ty siêu nhỏ và nhỏ mới đăng ký mới trong 11 tháng đầu năm 2021.
Các doanh nghiệp nhỏ đóng góp một nửa doanh thu từ thuế và 60% GDP của Trung Quốc cùng 80% việc làm ở thành thị, thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các công ty này cũng phải chịu gánh nặng của sự suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 mang lại, bất chấp việc chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm thuế và phí.
Các chuyên gia chỉ ra rằng chiến lược "Zero Covid" của Trung Quốc đã làm giảm sức tiêu thụ của thị trường và dẫn tới nhiều đợt phong tỏa. Trong khi đó, những thách thức mới tiếp tục kéo đến như giá nguyên liệu đầu vào cao và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng vọt.