Trước tình trạng "sốt đất" như hiện tại, để thị trường bất động sản đi đúng hướng rất cần sự mạnh tay bẻ lái kịp thời của nhạc trưởng là các cơ quan quản lý trong lĩnh vực này.
Trước tình trạng "sốt đất" như hiện tại, để thị trường bất động sản đi đúng hướng rất cần sự mạnh tay bẻ lái kịp thời của nhạc trưởng là các cơ quan quản lý trong lĩnh vực này.
Những lợi thế từ chính sách đã khiến bất động sản trở thành một kênh đầu tư an toàn, có thể đáp ứng nhiều tiêu chí như giữ tiền an toàn, sinh lời tốt hơn và dễ thanh khoản. Bởi vậy, đầu tư bất động sản đã trở thành xu hướng được nhiều người chọn lựa.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn trong vòng xoáy sốt đất, tăng giá ảo và di chứng để lại của những "cơn sốt" này gây không ít hệ lụy cho nền kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Để thị trường đi đúng hướng rất cần sự mạnh tay bẻ lái kịp thời của nhạc trưởng là các cơ quan quản lý trong lĩnh vực này.
Sử dụng hiệu quả công cụ quy hoạch
Có thể nói trong "cơn sốt" đất, từ khóa “quy hoạch” được nhắc đến như một câu thần chú. Khu vực đó được quy hoạch thế nào luôn là mối quan tâm đầu tiên của mỗi nhà đầu tư. Tuy nhiên, thông tin về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai ở nhiều địa phương cho đến nay vẫn thiếu minh bạch.
Theo các chuyên gia, thổi giá bất động sản theo quy hoạch đã để lại nhiều hệ luỵ khó giải quyết; trong đó, có việc mặt bằng giá đã được “kênh” lên ở mức cao, không thực tế với giá trị thực. Người mua nhà có nhu cầu ở không đủ sức mua, trong khi đa số là các nhà đầu tư "lướt sóng," mua đi bán lại kiếm lời. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ "bong bóng," tồn kho bất động sản, nợ xấu ngân hàng vì không ít người mua bất động sản đi vay ngân hàng.
Điển hình như cơn sốt đất tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước do một bộ phần người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Téc-ních với diện tích lên tới 500ha.
Sân bay Téc-ních tại Bình Phước không phải là “cây đũa thần” và việc xây dựng sân bay không thể là một bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong khi đó, đây mới chỉ dừng lại ở chủ trương và phải chờ cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt. Việc có sân bay tại địa phương cũng không phải là yếu tố chính để thu hút đầu tư.
Những yếu tố quan trọng hơn trong việc gia tăng giá trị bất động sản và tạo sức hút trên thị trường còn bao gồm việc cung cấp đầy đủ các tiện ích xã hội như: trường học, bệnh viện, giao thông thuận lợi, cơ hội nghề nghiệp...
Sau "sốt ảo" đất tại khu vực Hớn Quản (Bình Phước), sân bay Long Thành (Đồng Nai), đến lượt Thành phố Hồ Chí Minh với việc thành lập thành phố Thủ Đức và đề án chuyển một số huyện lên quận, giới "cò đất," đầu cơ đang làm nóng thị trường bất động sản tại thành phố. Vì thế, để sớm ổn định tình hình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc kịp thời và quyết liệt.
Thời gian qua, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý hiện tượng đầu cơ đất đai, phân lô tách thửa trái pháp luật. Tại lễ công bố và trao quyết định cho cán bộ thành phố Thủ Đức vừa qua, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu lãnh đạo thành phố Thủ Đức phải ngăn chặn các hoạt động đầu cơ nâng giá làm bất ổn thị trường.
Là người nhiều năm theo dõi, hoạt động trong lĩnh vực đất đai, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng tạo sốt ảo bất động sản đã trở nên căng thẳng, tạo điểm nóng dưới nhiều chiêu thức và diễn ra không chỉ ở một số địa phương.
Nhằm kiểm soát thị trường bất động sản, Luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, chính quyền cần công khai, minh bạch và thường xuyên cập nhật các thông tin về quy hoạch đô thị, lập dự án, kế hoạch sử dụng đất; tiến tới thành lập Trung tâm thông tin về thị trường bất động sản, qua đó tạo cơ chế kiểm soát, đánh giá công khai thông tin của chính các cơ quan Nhà nước và tổ chức liên quan để người dân nắm bắt, không để các đối tượng đầu nậu, "cò" đất đồn thổi thông tin.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường truyền thông, thông tin định hướng để nâng cao dân trí, trang bị kỹ năng cho người mua và những người có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, tránh tiền mất tật mang, tự bảo vệ bản thân cũng như có thái độ thận trọng, kiểm soát.
Tăng liều “thuốc hạ sốt”
Hiện tượng "sốt đất" cho thấy nhiều hành vi vi phạm, thậm chí có hiện tượng thao túng, chèn ép có tổ chức đối với những người sử dụng đất có nhu cầu giao dịch như: xóa thông tin, quấy rối đến điện thoại, lấy thông tin nhưng đăng sai lệch cho người khác hiểu nhầm...
Theo Luật sư Trần Đức Phượng, các hành vi vi phạm này đều có các chế tài xử lý theo quy định pháp luật. “Tuy nhiên, cần tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin và hoạt động kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đúng thông tin, bất thường, sai mục đích, trốn thuế, rửa tiền...” - Luật sư Trần Đức Phượng nêu quan điểm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam vẫn chưa sử dụng và khai thác tối đa hiệu quả các công cụ để chống đầu cơ đất. Đơn cử là việc chưa ban hành sắc thuế để chống đầu cơ bất động sản thông qua việc đánh thuế người có nhiều nhà đất, chính sách tín dụng cũng chưa chặt chẽ đối với việc cho vay.
Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng lại chính sách về thuế nhằm điều chỉnh hiệu quả thị trường; trong đó, áp dụng mức thuế riêng cho các hoạt động giao dịch mua bán kinh doanh và các giao dịch của người sử dụng; sửa đổi quy định về mức thuế thu nhập cá nhân đối với bất động sản theo hướng tăng mức thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá.
Chuyên gia Đặng Hùng Võ cho rằng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đặt việc cắt "sốt đất" là nhiệm vụ trọng tâm để không lan ra toàn thị trường. Cơn "sốt đất" ở các địa phương khác chỉ còn mang tính thời điểm và cục bộ.
Tại mỗi địa phương, việc cắt "sốt đất" có thể thực hiện bằng 3 giải pháp như: tạm dừng việc cho chuyển mục đích sử dụng đất vì quy hoạch kỳ tới chưa được phê duyệt; giải tán các “chợ cóc” bất động sản do giới “cò nhà đất” lập ra; đề nghị báo chí vào cuộc để đăng tải những thông tin chính xác về tình trạng quy hoạch, những rủi ro gặp phải... nhằm không để hình thành hiệu ứng đám đông.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạm thời không cung cấp tín dụng cho kinh doanh bất động sản để ngăn chặn tình trạng nổ "bong bóng" bất động sản, gây ra khủng hoảng tài chính.
Cùng với đó, cần tạo dựng được các dự án đô thị lớn, thông minh gắn kết được với công nghiệp. Như vậy sẽ tạo ra một môi trường rộng lớn và an toàn để nhà đầu tư rót tiền vào mà không sợ bị thiệt hại như thời gian vừa qua.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin như quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn, đặc biệt về hệ thống đường giao thông... để làm giá, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính.
Để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người có thu nhập thấp và quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thật của thị trường. Trong năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu trình Quốc hội, Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn về việc chấp thuận kế hoạch kiểm tra năm 2021 của các đơn vị trực thuộc. Theo đó, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai tại 26 tỉnh, thành phố trong năm 2021.
Đáng chú ý, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không đưa đất hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Động thái của các ngành chức năng được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện việc quản lý đất đai, góp phần kiểm soát giá đất và bình ổn thị trường bất động sản. Đây cũng là một trong những yếu tố kiểm soát để thị trường bất động sản không đi chệch hướng.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, bên cạnh các thách thức thì cơ hội phát triển của thị trường bất động sản vẫn rất lớn. Đó là tình hình chính trị ổn định; kinh tế vĩ mô phát triển ổn định; xu thế dịch chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm việc của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam từ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn; thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp vẫn có nhu cầu cao...
Vì vậy, nếu nắm bắt được các cơ hội này và các cơ chế, chính sách, pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung sớm được triển khai thực hiện, đi vào thực tế thì thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh; đồng thời, mở ra thời kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản.