Lạm phát đang làm chậm tốc độ phát triển trên toàn thế giới, nhưng một số quỹ quản lý tiền tệ lớn nhất lại cho rằng chưa đến lúc loại bỏ các biện pháp phòng vệ trước áp lực giá.
Lạm phát đang làm chậm tốc độ phát triển trên toàn thế giới, nhưng một số quỹ quản lý tiền tệ lớn nhất lại cho rằng chưa đến lúc loại bỏ các biện pháp phòng vệ trước áp lực giá.
BlackRock Inc., AllianceBernstein Holding LP và Pacific Investment Management Co. cảnh báo thị trường hiện có thể đang quá lạc quan về tốc độ đi xuống của giá cả. Nhiều nhà đầu tư đã rút tiền từ các quỹ ETF theo dõi nợ Chính phủ (có liên quan đến lạm phát) trong tháng 1, đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp. Đây cũng là chuỗi dài nhất trong ít nhất 6 năm trở lại đây và tổng dòng tiền chảy ra lên tới 10,8 tỷ USD.
Các quỹ trên tin rằng lạm phát cuối cùng sẽ xuống thấp hơn, bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và giá cả hàng hoá công nghiệp đều đã giảm bớt. Điều họ lo lắng là tốc độ và mức độ hạ nhiệt của lạm phát.
John Taylor, Giám đốc tại AllianceBernstein, cho biết: “Bất chấp tỷ lệ lạm phát vẫn neo ở ngưỡng cao, mọi người dường như cho rằng lạm phát đang đi xuống và nghĩ họ không cần các biện pháp bảo vệ nữa”.
Kỳ vọng lạm phát trung hạn ở Mỹ - được thể hiện qua chênh lệch lợi suất trái phiếu 5 năm thông thường và trái phiếu không bị ảnh hưởng bởi lạm phát - đã giảm xuống 2,5% so với mức cao nhất của năm ngoái là 3,76%. Một thước đo tương tự đối với thị trường toàn cầu cho thấy, kỳ vọng lạm phát hiện đang ở mức dưới 2%, giảm từ mức 3,12% trong tháng 4 - mức cao nhất trong ít nhất 10 năm trở lại đây.
Xem thêm: CEO JPMorgan: Còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng lạm phát
BlackRock - công ty quản lý tài sản toàn cầu của Mỹ - vẫn kiên định với khuyến nghị là các nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng đáng kể các trái phiếu liên quan đến lạm phát. Gần đây, AllianceBernstein cũng mua thêm chứng khoán được bảo vệ khỏi lạm phát của Bộ Tài chính Mỹ, hay còn gọi là TIP.
Giới đầu tư đã nhận được một bài học tàn khốc về rủi ro khi đánh giá thấp lạm phát vào năm 2022.
Chứng khoán toàn cầu chứng kiến 18 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa bị “bay màu”, trong khi trái phiếu Kho bạc Mỹ có năm tồi tệ nhất khi các ngân hàng trung ương đua nhau tăng lãi suất để khống chế lạm phát.
Ngoài ra, Wei Li, chiến lược gia đầu tư tại bộ phận nghiên cứu của BlackRock, cũng hết sức ngạc nhiên về mức độ mà các nhà đầu tư đang đặt cược vào tăng trưởng kinh tế, tốc độ chậm lại của lạm phát và kế hoạch cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Ở kịch bản cơ sở, bà Li dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ và lạm phát sẽ duy trì trên mức mục tiêu trong thời gian dài. “Lạm phát cao dai dẳng không chỉ là hiện tượng của mỗi Mỹ, mà nó đang xảy ra trên khắp các thị trường phát triển”.
BlackRock dự đoán lạm phát tại Mỹ sẽ đạt trung bình khoảng 3,5% trong 5 năm tới và sau đó hạ xuống 3% khi dân số già hoá làm thu hẹp lực lượng lao động, bất ổn địa chính trị làm giảm hiệu quả kinh tế và các nước chuyển sang mô hình công nghiệp ít phát thải hơn.
Bà Wei Li nói: “Theo BlackRock, do những thay đổi và chuyển dịch mang tính cơ cấu mà lạm phát trong tương lai sẽ duy trì ở mức cao hơn so với giai đoạn trước đại dịch. Giá hàng hoá đảo chiều giúp việc đưa lạm phát từ mức đỉnh 9,1% hồi tháng 6/2022 xuống khoảng 4% là mục tiêu dễ dàng. Tuy nhiên, ổn định lạm phát xuống dưới mức 3% có thể sẽ khó nhằn hơn nhiều”.
Ở một diễn biến khác, lạm phát lõi ở châu Âu hồi tháng 1 vẫn bị “mắc kẹt” ở mức kỷ lục 5,2% và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất mọi thời đại là 6,6%.
Trong khi đó, tại Mỹ, một số người tin rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ trở nên diều hâu hơn sau báo cáo việc làm mới. Tháng 1 vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm hơn 517.000 việc làm và chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tụt xuống mức 3,4% - mức thấp nhất kể từ năm 1969.
Xem thêm: Các nhà hoạch định chính sách của Fed kêu gọi tăng lãi suất để đánh bại lạm phát