Agribank là nhà băng có giá trị bất động sản thế chấp lớn nhất hệ thống, lên tới hơn 2 triệu tỷ đồng.
Agribank là nhà băng có giá trị bất động sản thế chấp lớn nhất hệ thống, lên tới hơn 2 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng Agribank vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ kiểm toán năm 2021 với lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 14.502 tỷ đồng và 11.611 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020.
Ghi nhận trong báo cáo tài chính riêng lẻ kiểm toán năm 2021, năm vừa qua nhà băng này đã thu về 46.713 tỷ đồng thu nhập lãi thuần (lãi cho vay trừ lãi đi vay), tăng tương ứng 7,8% so với năm liền trước và 1.515 tỷ (tương ứng tăng 61,2%) thu nhập lãi thuần từ lĩnh vực kinh doanh vàng và ngoại hối.
Ngoài hai mảng trên, lãi thuần từ các hoạt động khác đều sụt giảm so với năm 2021. Trong đó, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm lần lượt 45% và 36%.
Tựu trung lại, thu nhập hoạt động của Agribank năm 2021 đạt 60.742 tỷ, tăng 6,6%. Trong khi chi phí hoạt động giảm 4,3% xuống còn 24.179 tỷ. Qua đó giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 15,3% lên mức kỷ lục 36.562 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 3.300 tỷ, tương đương cao hơn 18% so với năm 2020, nhờ việc tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động so với năm trước mà lợi nhuận trước thuế của nhà băng này vẫn đạt 14.502 tỷ đồng, tăng 12% so với năm liền trước.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản Agribank đạt hơn 1,694 triệu tỷ, tăng 8,1% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,4% lên trên 1,314 triệu tỷ. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 9,8% đạt hơn 1,545 triệu tỷ.
Xem thêm: M&A bất động sản tiếp tục sôi động khi kinh tế dần phục hồi
Vào cuối năm 2021, nợ xấu nội bảng của ngân hàng là 24.553 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ so hồi đầu năm. Qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,78% lên 1,87%. Tuy nhiên, do đẩy mạnh trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Agribank đã cải thiện từ mức 111% lên gần 139%.
Tính đến cuối quý IV/2021, lượng tài sản Agribank nhận thế chấp, cầm cố và chiết khấu, tái chiết khấu là hơn 2,327 triệu tỷ đồng, tăng 262.000 tỷ (tương đương 12,7%). Trong đó, bất động sản thế chấp tại ngân hàng vượt 2,018 triệu tỷ, tăng gần 178.000 tỷ so với cuối năm trước và chiếm gần 87% tổng tài sản thế chấp.
Đáng chú ý, dù không phải ngân hàng có tổng tài sản và số dư cho vay khách hàng lớn nhất hệ thống (sau BIDV) và cũng không phải ngân hàng có giá trị tài sản thế chấp lớn nhất (sau VietinBank), Agribank lại là nhà băng có giá trị bất động sản thế chấp lớn nhất hệ thống.
Trong khối tài sản nhận thế chấp hơn 101 tỷ USD quy đổi này, riêng tài sản nhận thế chấp là bất động sản đã có giá trị trên 2,018 triệu tỷ đồng, chiếm 87% tổng giá trị tài sản thế chấp tại Agribank và tăng gần 10% so với năm liền trước.
Hiện Agribank cũng là nhà băng duy nhất có giá trị bất động sản thế chấp vượt mốc 2 triệu tỷ đồng.
Xem thêm: Bộ Tài chính tăng cường giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp