Mới đây, Quỹ Phát triển nhà ở TP. HCM (HOF) vừa đề nghị UBND TP. HCM tháo gỡ khó khăn trong hoạt động cấp vốn cho người thu nhập thấp có thể vay mua nhà trước nguy cơ nguồn vốn bị cạn kiệt.
Mới đây, Quỹ Phát triển nhà ở TP. HCM (HOF) vừa đề nghị UBND TP. HCM tháo gỡ khó khăn trong hoạt động cấp vốn cho người thu nhập thấp có thể vay mua nhà trước nguy cơ nguồn vốn bị cạn kiệt.
Năm 2021, UBND TP. HCM giao Quỹ Phát triển nhà ở TP. HCM (HOF) thực hiện chỉ tiêu giải ngân 470 tỷ đồng cho người có thu nhập thấp có nhu cầu vay vốn mua nhà. Thế nhưng, đến hết quý 1/2021, đơn vị này mới giải ngân được 96,64 tỷ đồng và đạt 20,56% kế hoạch.
Ngày 8/12/2020, để đạt chỉ tiêu giải ngân 470 tỷ đồng, HOF đã đăng ký và được Hội đồng Nhân dân TP. HCM duyệt cấp bổ sung vốn điều lệ 374 tỷ đồng. Đồng thời, Sở Kế hoạch & Đầu tư cùng Sở Tài chính được UBND TP. HCM giao tham mưu việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho HOF.
Từ năm 2005, Quỹ Phát triển nhà ở TP. HCM đã hỗ trợ hơn 5.400 trường hợp thu nhập thấp vay vốn xây dựng nhà ở với tổng giải ngân hơn 2.500 tỷ đồng, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội.
Quỹ thực hiện nhiệm vụ do UBND TP. HCM giao trong việc cải thiện tình trạng “thiếu hụt” nguồn vốn, cho các đối tượng có thu nhập thấp vay tạo lập nhà ở, phát triển nhà ở trên địa bàn thành thị, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ về tài chính.
Dẫn lời VnEconomy, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc HOF cho biết: “Trong thời gian chờ cấp vốn, đơn vị đã tạm thời sử dụng số kinh phí tạm còn lại để giải quyết nhu cầu vay mua nhà cho người thu nhập thấp. Tính đến hết quý 1/2021, đơn vị còn thiếu 166 tỷ đồng cho vay tạo nhà ở. Số vốn thiếu hụt năm ngoái là 70,2 tỷ đồng”.
“Nếu không có thêm nguồn vốn, không chỉ việc hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay vốn làm nhà gặp khó khăn mà nhiều hoạt động khác của đơn vị cũng bị ảnh hưởng. Một số hoạt động của HOF trong tháng 5 hoặc tháng 6/2021 có nguy cơ bị tạm dừng do thiếu vốn. Vì vậy, HOF kiến nghị UBND TP. HCM sớm tháo gỡ khó khăn nói trên”, ông Thạch nói thêm.
Theo Chương trình phát triển nhà ở, chỉ 20% người lao động đủ khả năng mua nhà ở thương mại phân khúc trung cấp trở lên, 40% người lao động đủ khả năng mua nhà ở thương mại giá thấp, 40% còn lại không đủ khả năng mua nhà để ở tại TP. HCM giai đoạn 2021-2030. Nhu cầu nhà ở của lực lượng lao động chủ yếu ở phân khúc thương mại giá thấp, trong khi đó, nguồn cung nhà ở hiện nay chủ yếu ở phân khúc trung cấp.
Theo nghiên cứu của DKRA Việt Nam, kể từ năm 2019, cơ hội mua được nhà của người trẻ càng thấp do hầu như thị trường không còn xuất hiện loại căn hộ giá trên dưới 1,1-1,5 tỷ đồng một căn. Khả năng chi trả cho việc mua nhà của nhóm người thu nhập thấp tại TP. HCM năm 2019 cho thấy số hộ có khả năng chi trả từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng là 45%. Như vậy, có đến 89% nhóm đối tượng thuộc diện thu nhập thấp có khả năng chi trả dưới 1 tỷ đồng cho một căn nhà để ở.
Mặc dù UBND TP. HCM đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhưng thị trường mới chỉ đáp ứng một lượng nhà ở không đáng kể (dưới 1 tỷ đồng) bởi một số nhà đầu tư nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, dẫn đến quy mô đầu tư và mức độ tiện nghi chưa đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân.
Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục tăng, nhu cầu nhà ở sẽ tập trung vào phân khúc nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội nhằm phục vụ những người lao động có thu nhập thấp hoặc không ổn định.
“Thời gian qua, Sở Xây dựng TP. HCM đang tìm kiếm các giải pháp thích hợp về vật liệu và công nghệ xây dựng nhà ở giá thành thấp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển các loại công nghệ xây dựng mới, hiện đại, rút ngắn thời gian và hạ giá thành sản phẩm, công nghệ xây dựng hiện đại dễ tiếp cận và triển khai thực hiện”, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho hay.
Với nhu cầu rất lớn, nhưng TP. HCM gần như vắng bóng loại căn hộ hạng C (căn hộ bình dân), đặc biệt căn hộ dưới 1 tỷ lại càng khan hiếm. Bên cạnh là việc “thiếu hụt” nguồn vốn cho người thu nhập thấp vay mua nhà lại làm cho ước mơ sở hữu nhà ở của người nghèo ngày càng xa vời.
Nhìn chung, cơ hội mua nhà ở cho những hộ gia đình có thu nhập thấp hiện nay hết sức khó khăn. Ngoài việc thiếu vốn, thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là giá cả đối với người mua nhà.
Vấn đề sở hữu nhà ở của người có thu nhập thấp tại TP. HCM đang trở nên nghiêm trọng khi thị trường chung cư mới đây lại tiếp tục lập đỉnh giá mới. Theo các chuyên gia, trong thời gian chờ các giải pháp phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, xây dựng nhà ở xã hội, các quỹ vốn cấp vốn cho người thu thập thấp vay mua nhà là vô cùng cần thiết để đạt được mục tiêu chiến lược nhà ở quốc gia.
Quỹ Phát triển nhà ở TP. HCM là tổ chức tài chính được thành lập theo Quyết định số 3823/QĐ-UB ngày 04/08/2004 và Quyết định số 3480/QĐ-UBND ngày 12/07/2011 về bổ sung Quyết định số 3823/QĐ-UB ngày 04 /08/2004 về thành lập Quỹ Phát triển nhà ở TP. HCM của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tổ chức và hoạt động theo Quyết định 128/2005/QĐ-UBND ngày 26/07/2005 của UBND TP. HCM.
Quỹ có vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng, hoạt động theo nguyên tắc hoàn vốn, bù đắp chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động và không vì mục tiêu lợi nhuận. Đây là đơn vị thực hiện các chính sách hỗ trợ về tài chính cho các đối tượng có thu nhập thấp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực nhà ở theo quy định của UBND TP.
Từ khi thành lập tới nay, HOF đã hỗ trợ hơn 5.400 trường hợp thu nhập thấp vay vốn xây dựng nhà ở với tổng giải ngân hơn 2.500 tỷ đồng, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của thành phố.