Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, giá đất nhiều huyện ven đô Hà Nội tăng chóng mặt trước thông tin một số huyện ngoại thành Hà Nội sẽ có đề án được lên cấp quận.
Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, giá đất nhiều huyện ven đô Hà Nội tăng chóng mặt trước thông tin một số huyện ngoại thành Hà Nội sẽ có đề án được lên cấp quận.
Kể từ năm 2020, giá đất tại khu Đông Hà Nội tăng lên 20 - 30% so với năm trước. Khu Tây còn tăng mạnh hơn khi lên tới 50%.
Theo khảo sát mới nhất của thị trường bất động sản và nhà ở năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá đất nhiều huyện ven đô Hà Nội tăng chóng mặt so với năm 2019.
Trước đó, Hà Nội đặt kế hoạch trong 5 năm tới, giai đoạn 2026-2030 để đưa Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận, cùng với các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.
Trước thềm thông tin nâng cấp một số huyện vùng ven lên quận, đất tại các huyện ngoại thành Hà Nội tăng giá đất liên tục. Giá đất nột số khu vực hiện tại so với khoảng 3 năm trước đã tăng gấp 2 - 3 lần.
Bình quân giá đất nền năm 2020 chỉ khoảng 3-5%. Tuy nhiên, nghiên cứu của các đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản lại cho thấy tại một số địa phương có hiện tượng tăng giá cục bộ chóng mặt ở một số dự án, khu vực và thậm chí có nơi giá đất so với năm 2019 đã tăng 40 - 50%.
Trong số các huyện sắp lên quận, Đông Anh là một trong những điểm rục rịch mạnh nhất về giá đất. Theo ghi nhận, giá đất tại Đông Anh đã tăng từ 15 - 20%. Thậm chí một số khu vực còn bị đẩy giá tăng 50%.
Theo các “cò mồi” môi giới, đầu năm 2020, giá đất tại thôn Hải Bối, thôn Cổ Điển (xã Hải Bối, huyện Đông Anh) đã tăng gấp đôi. Đặc biệt, khu vực đất chưa có sổ đỏ cũng tăng lên 25 - 30 triệu đồng/m2. Kể cả, đất thổ cư trong ngõ ô tô vào được cũng có mức giá 70 - 100 triệu đồng/m2, đất thổ cư ngõ nhỏ không chuộng cũng có giá 30 - 65 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, đất đấu giá ở gần trung tâm thị trấn Đông Anh dao động hơn 85 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m2. Đất thổ cư dao động trong khoảng 120 - 150 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Dọc theo quốc lộ 3 về phía huyện Sóc Sơn từ thị trấn Đông Anh, đất ở mặt đường Lê Hữu Tựu cũng có giá khoảng 70 triệu đồng/m2.
Tại Vĩnh Ngọc, khu vực được coi là “miếng mồi ngon” của bất động sản Đông Anh, giá đất cũng tăng vọt từ 50 - 55 triệu đồng/m2, lên ngưỡng 80 - 100 triệu đồng/m2, ngang tầm với các tuyến đường lớn trong trung tâm Hà Nội. Tương tự, tại các xã Tầm Xá, Nguyên Khê, giá đất cũng đã vượt qua ngưỡng 50 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, giá đất tại Đan Phượng có nơi cũng tăng giá lên hơn 90 triệu đồng/m2. Thời gian vừa qua, đất mặt đường quốc lộ 32 có giá dao động khoảng 80 - 90 triệu đồng/m2, giá đất mặt đường Phan Xích từ 90 - 95 triệu đồng/m2, một số nơi nằm ở trục đường 79 có giá từ 70 - 80 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, giá đất không chỉ leo thang ở những vị trí gần mặt đường lớn, mà trong khu dân cư cũng ở mức cao, đặc biệt là tại thôn Thượng Hội (nơi tuyến đường mới được phê duyệt đi qua) ghi nhận mức 70 - 80 triệu đồng/m2, tùy vào từng vị trí. Các khu vực lân cận xã Tân Hội cũng tăng nhẹ về giá bán.
Tương tự tại khu vực có nhiều dự án hạ tầng như Gia Lâm, giá đất cũng đang tăng trưởng. Trong đó, giá đất tại thị trấn Trâu Quỳ hiện đang có mức giá khoảng 150 - 170 triệu đồng; các xã như: Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Đông Dư cũng rơi khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2.
Tổng quát về bất động sản Gia Lâm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Mức tăng nhà ở tại khu vực Gia Lâm hiện nay là chấp nhận được, các nhà đầu tư mới vẫn có cơ hội tham gia vào thị trường bất động sản tại khu vực này. Bên cạnh đó, khu vực Gia Lâm đang nhận rất nhiều dự án bất động sản "khủng", từ đó sẽ là động lực để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho sự phát triển bất động sản trong tương lai”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì việc tăng giá mạnh và cục bộ tại một số khu vực chủ yếu là do yếu tố giao dịch diễn ra giữa các nhà đầu cơ.
Nắm bắt được thông tin giá đất nhiều huyện ven đô Hà Nội tăng chóng mặt trước mong ngóng của nhiều người, giới đầu cơ bất động sản đã lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị nhà ở, xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng khu đô thị dân cư... để tăng giá, thu lợi nhuận không đáng có.