Khi giao tranh đang diễn ra trên khắp Ukraine, lĩnh vực năng lượng đã trở thành mục tiêu hàng đầu thu hút sự chú ý, nhưng không phải do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Khi giao tranh đang diễn ra trên khắp Ukraine, lĩnh vực năng lượng đã trở thành mục tiêu hàng đầu thu hút sự chú ý, nhưng không phải do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tin tức về vụ cháy tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Ukraine ngày 4/3 tràn ngập các kênh truyền thông, còn người dân Mariapul phải sống bóng tối sau khi nguồn cung cấp điện cho thành phố bị cắt.
Trong khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine tiếp diễn, thì các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm đối phó với Nga lại có một “điểm mù” đó là lĩnh vực năng lượng. Các sản phẩm năng lượng của Nga chiến tới 60% tổng sản lượng xuất khẩu của quốc gia này. Chưa kể, hai ngân hàng chủ chốt của Nga, chịu trách nhiệm xử lý phần lớn các hoạt động xuất khẩu mặt hàng năng lượng đã thoát khỏi những biện pháp trừng phạt mạnh tay, chẳng hạn như loại Nga khỏi hệ thống SWIFT.
Thực tế nói trên khiến nhiều nhà phân tích cho rằng, các nước phương Tây vẫn chưa muốn sử dụng công cụ mà họ cho là hiệu quả nhất để đối phó với Nga. Hiện, các nền kinh tế hàng đầu của châu Âu đang phụ thuộc chủ yếu vào khí đốt của Nga. Trong khi đó, Mỹ cũng lo ngại về việc tăng giá dầu mỏ và khí đốt, đồng thời không muốn các đồng minh châu Âu phải chịu áp lực quá lớn.
Cả EU và Mỹ dường như lo ngại việc loại nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 3 thế giới ra khỏi thị trường năng lượng, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng với nền kinh tế toàn cầu vốn đang lao đao do dịch Covid-19. Và như vậy, bất chấp các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chưa từng có của phương Tây, huyết mạch kinh tế của Nga vẫn không bị ảnh hưởng nhiều.
Giới phân tích cho rằng, những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga, từ công nghiệp đến truyền thông, từ tài chính đến thể thao, rất sâu rộng và có tác động lớn. Các cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu vừa hạ cấp nợ chính phủ của Nga xuống mức "CCC-" (trạng thái không có giá trị), làm tăng khả năng vỡ nợ.
Biện pháp hữu hiệu nhất của Nga để ngăn chặn viễn cảnh này là xuất khẩu năng lượng bền vững sang các thị trường phương Tây, trong đó có Mỹ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết: “Nga là nhà sản xuất dầu mỏ và chất lỏng khác lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ và Saudi Arabia) vào năm 2020. Nga cũng là nhà sản xuất khí tự nhiên lớn thứ hai vào năm 2020 (sau Mỹ)”.
Nga là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, chiếm 6% trữ lượng dầu mỏ và 20% trữ lượng khí đốt tự nhiên trên thế giới. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới với đội ngũ nhân viên khoảng 400.000 người. Xuất khẩu của Nga vào năm 2021 đạt tổng cộng 493,3 tỷ USD, trong đó năng lượng chiếm 59,3%, theo trang web Trading Economics.
Sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên khổng lồ này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến một số nền kinh tế hàng đầu của phương Tây khi họ đối đầu với Nga.
Báo cáo của EIA cho biết: “Châu Âu là thị trường chính của Nga về xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Nói cách khác, Châu Âu là nguồn thu chính của nước này. Đổi lại, Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên chính cho châu Âu”.
Đức là khách hàng lớn nhất của Nga trong châu Âu, tiếp theo là Italy và Pháp. Đáng chú ý, 2 ngân hàng lớn của Nga chịu trách nhiệm xử lý các khoản thanh toán năng lượng là Ngân hàng Gazprom và Sherbank. Bất chấp những ồn ào xung quanh việc loại nhiều công ty tài chính của Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), hai ngân hàng chủ chốt này vẫn giữ quyền truy cập hệ thống.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi các chính phủ phương Tây áp đặt "lệnh cấm vận hoàn toàn" đối với dầu và khí đốt của Nga. Nhưng điều này vẫn không xảy ra.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc liệu phương Tây có trừng phạt lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga hay không, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/3 cho biết “mọi thứ đã sẵn sàng”.
Ông Andriy Kobolyev, cựu giám đốc công ty khí đốt tự nhiên Naftogaz của Ukraine cho rằng, Điện Kremlin có lẽ nhận thức rõ sự phụ thuộc của phương Tây vào nguồn khí đốt Nga. “Tổng thống Putin biết rằng, Nga là nguồn cung cấp năng lượng rất quan trọng với phương Tây, vì thế dù họ có làm bất cứ điều gì, họ cũng sẽ dễ được bỏ qua”.
Vấn đề không chỉ nằm ở trạng thái dễ bị tổn thương của châu Âu trước việc bị cắt giảm nguồn cung khí đốt. Ở Mỹ, giá dầu tăng cao cũng là vấn đề rất nhạy cảm với người dân nước này. Politico cho biết, Mỹ tiếp tục nhập khẩu khoảng 540.000 thùng dầu của Nga mỗi ngày. Theo logic, nếu Mỹ ngừng nhập khẩu, Nga chỉ cần tìm kiếm thị trường khác.
Một quan chức của Nhà Trắng: “Chúng tôi không có lợi ích chiến lược trong việc giảm nguồn cung năng lượng toàn cầu”. Ông nói, các biện pháp trừng phạt năng lượng của Nga, "sẽ làm tăng giá bơm xăng đối với người Mỹ".
Giới phân tích cho rằng, việc phương Tây ngần ngại trừng phạt mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga không chỉ do sự phụ thuộc quá lớn vào mặt hàng này mà còn do các điều kiện kinh tế vĩ mô rộng lớn hơn.
Xung đột Nga-Ukraine diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang nỗ lực khôi phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua. Trong môi trường kinh tế đầy bất ổn này, năng lượng là mặt hàng chủ chốt đẩy lạm phát lên cao.
Brenda Shaffer, nhà phân tích năng lượng ở Đại học Georgetown (Mỹ) cho rằng, việc loại bỏ nhà cung cấp lớn thứ ba thế giới khỏi thị trường năng lượng sẽ tạo ra “một cú sốc lớn” đối với giá dầu toàn cầu và nền kinh tế thế giới. Một biện pháp trừng phạt lớn như vậy là chưa có tiền lệ.
“Các biện pháp trừng phạt Iran và Venezuela không thể so sánh được với tác động có thể gây ra với thị trường dầu mỏ toàn cầu nếu bạn loại bỏ hết sản lượng khai thác của Nga”, bà Brenda Shaffer nhận xét. Và thực tế khắc nghiệt này dường như trái ngược với đánh giá của các nhà lãnh đạo phương Tây về hiệu quả những lệnh trừng phạt mà họ áp đặt đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.