Có thể thấy, nếu Nga cắt khí đốt vào châu Âu, nền kinh tế các nước châu Âu sẽ bị thiệt hại, phải chi phí tốn kém hơn để tìm kiếm và nhập khẩu nguồn năng lượng thay thế.
Có thể thấy, nếu Nga cắt khí đốt vào châu Âu, nền kinh tế các nước châu Âu sẽ bị thiệt hại, phải chi phí tốn kém hơn để tìm kiếm và nhập khẩu nguồn năng lượng thay thế.
Trước khi Liên minh châu Âu và các nước thành viên áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, giá khí đốt tại các nước châu Âu đã có đà phi mã liên tục trong suốt năm 2021. Khí đốt tăng giá làm giá dầu và giá điện cũng tăng theo, khiến chỉ số lạm phát của các nước châu Âu liên tục lập những đỉnh mới. Sự việc này đã và đang ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người dân cũng như nền kinh tế các nước châu Âu và liệu trong tình thế Nga có thể khoá van khí đốt cung cấp cho châu Âu thì châu Âu sẽ phải xoay sở như thế nào?
Với đồng lương hưu hạn chế, mọi chi tiêu sinh hoạt hàng tháng của gia đình bà Christine, một giáo viên đã về hưu tại Bỉ, đều phải có kế hoạch. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị xáo trộn khi nguồn cung khí đốt khan hiếm đẩy giá nhiều mặt hàng tại Bỉ và các nước châu Âu tăng cao trong hơn một năm qua.
Bà Christine Elleboudt, người dân Bỉ, cho biết: "Chúng tôi rất lo ngại trước đà tăng giá này, mỗi tháng chính phủ có hỗ trợ khoảng 100 Euro song không đủ. Tôi chẳng thể làm gì hơn trước khó khăn này, tôi đã rất tiết kiệm điện".
Những năm gần đây mức tiêu thụ năng lượng của gia đình bà Christine đã có xu hướng giảm song giờ đây việc sử dụng năng lượng sẽ phải tiết kiệm hơn và cách mua bán thực phẩm cũng phải điều chỉnh bởi giá cả còn có thể tăng.
Bà Christine Elleboudt cho biết thêm: "Tôi vẫn phải sử dụng tủ lạnh, máy giặt, máy rửa bát song có thể tắt điện khi ra khỏi nhà hoặc bật ít đèn khi ở một mình. Tôi mua những gói sữa chua, pho mát lớn thì có giá rẻ hơn là mua từng gói nhỏ".
Sinh hoạt thường ngày bị xáo trộn, tâm lý lo lắng không chỉ xuất hiện ở những người có thu nhập hạn chế mà cả những người đang đi làm, vì nguồn cung khí đốt có thể khan hiếm hơn nếu Nga dừng cấp khí đốt cho châu Âu, khiến giá cả còn biến động. Từ ngày 5/3, giá mỗi lít dầu diesel tại Bỉ lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 2 Euro tăng 40% so với năm ngoái.
Bà Demey Jacquelinhe, người dân Bỉ, cho biết: "Giá nhiên liệu cao đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của tôi. Tôi phải trả 88 Euro cho một bình nhiên liệu, đắt hơn 20 Euro cách đây vài tuần.
Tâm lý lo lắng về khả năng Nga dừng cấp khí đốt cho châu Âu cũng được nhiều hãng tin và chuyên gia nghiên cứu tại châu Âu phản ánh. Trang tin Euronews cho rằng người dân ở Đức, Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi 50 - 60% lượng khí nhập khẩu của những quốc gia này là từ Nga. Song nguồn cung khí đốt của Nga có thể bù đắp từ chính các nước xuất khẩu khí đốt của châu Âu như Nauy, Hà Lan, Anh hay Đan Mạch.
Cũng để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga, các chuyên gia của Tổ chức nghiên cứu độc lập Bruegel của Bỉ cho rằng, các nước châu Âu đã và đang nhập khẩu khí hoá lỏng từ nhiều quốc gia như Australia, Mỹ, Qatar…
Dựa trên tình hình thực tế và những phân tích của các chuyên gia, có thể thấy nếu Nga cắt khí đốt vào châu Âu, nền kinh tế các nước châu Âu sẽ bị thiệt hại, phải chi phí tốn kém hơn để tìm kiếm và nhập khẩu nguồn năng lượng thay thế, châu Âu khó rơi vào cảnh không đủ nguồn cung năng lượng.