Sau 2 năm vào nghề, cuối cùng cuốn hộ chiếu của Hạnh Hương (Hà Nội) cũng xuất hiện những dấu visa đầu tiên trong sự nghiệp tiếp viên hàng không.
Sau 2 năm vào nghề, cuối cùng cuốn hộ chiếu của Hạnh Hương (Hà Nội) cũng xuất hiện những dấu visa đầu tiên trong sự nghiệp tiếp viên hàng không.
Kể từ đầu năm nay, Hạnh Hương đã thực hiện 2 chuyến bay thương mại quốc tế với điểm đến là Nhật Bản (ngày 1/3) và Đài Loan (hồi tháng 1). Trước đó, cô cũng tham gia các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Những chuyến bay quốc tế đầu tiên trong đời để lại cho tôi cảm xúc đặc biệt. Tôi rất phấn khích khi được đặt chân đến những vùng đất mới", Hạnh Hương, người mới gia nhập phi hành đoàn năm 2020, đã chia sẻ.
Tại một tọa đàm cuối tháng 2, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết 30 máy bay của hãng này hoạt động hết công suất trong giai đoạn Tết Nguyên đán vừa qua với cao điểm một ngày gần 200 chuyến.
Trong khi đó, đại diện Vietravel Airlines nhận định nhu cầu tuyển dụng của các hãng hàng không bắt đầu tăng cao khi thị trường hồi phục, cũng như hiện nay một số dự án thành lập hãng hàng không mới đang được triển khai rốt ráo.
Vì vậy, nhân lực ngành hàng không trong nước năm nay có thể bận rộn và khan hiếm trở lại, xuất hiện hiện tượng cạnh tranh.
Tương tự, Vietjet Air cũng đang thông báo tuyển cơ trưởng, cơ phó cho các dòng máy bay Airbus A320 và A330 đến hết năm nay.
Kín lịch bay mỗi tháng
Khoảng vài tháng trở lại đây, lịch bay của Hạnh Hương gần như kín tuần, có thời điểm lên đến 80 giờ bay/tháng.
Trong khi đó, vào thời điểm dịch bệnh, cô chỉ được phân công 2-3 chuyến bay mỗi tháng, hoặc thậm chí không có chuyến nào. Cô cho biết mình đã mất rất nhiều thứ trong 2 năm Covid-19, không chỉ riêng thu nhập, mà còn cả cơ hội được đào tạo và trải nghiệm.
"Tết năm nay thêm phần đặc biệt bởi tôi và các đồng nghiệp có nhiều lịch bay hơn. Điều đó đồng nghĩa thu nhập của chúng tôi sẽ được phục hồi sau 2 năm khó khăn, chật vật", cô nói.
Hạnh Hương cho biết sức khỏe là điều quan trọng đối với một tiếp viên hàng không nên cô luôn cố gắng chăm sóc bản thân tốt nhất có thể. Ở thời điểm không may mắc Covid-19 trong quá trình làm việc, cô vẫn giữ tinh thần lạc quan để sớm hồi phục và trở lại bầu trời.
"Hiện số chuyến bay quốc tế chưa nhiều nên công ty ưu tiên xếp đều lịch cho mọi tiếp viên hàng không. Hy vọng năm nay, tôi sẽ có thêm nhiều dấu visa trong hộ chiếu", cô chia sẻ.
Năm nay, Trần Tuấn Anh (31 tuổi, Hà Nội) cũng không được ăn Tết bên gia đình bởi lịch bay quốc nội, quốc tế trở nên dày đặc. Anh thậm chí chưa kịp thích nghi với cường độ làm việc mới. Thế nhưng, nam tiếp viên hàng không vẫn rất hào hứng.
"Tôi đã chờ đợi thời điểm này rất lâu rồi. Đại dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành nghề, trong đó có hàng không. Tôi chưa từng tưởng tượng rằng mức lương của một tiếp viên sẽ xuống thấp tới vậy", anh nói.
Tuấn Anh mới gia nhập ngành hàng không cách đây 3 năm sau lần tình cờ đi phỏng vấn cùng một người bạn. Anh rất bất ngờ khi nhận tin trúng tuyển, không nghĩ sẽ bén duyên với công việc này.
Anh cho biết các hãng hàng không đã mở lại những chuyến bay quốc tế ở khu vực châu Á song song với những chuyến quốc nội. Tuấn Anh hiện phụ trách một số chuyến bay đi đến Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bay trong bình thường mới
Vài tuần qua, khi tiếp nhận lịch làm việc mới với những chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đến Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Đài Loan, Nguyễn Giáng (25 tuổi) không giấu được tâm trạng hào hứng, phấn khích.
Suốt hai năm qua, ngành hàng không chịu tác động lớn bởi đại dịch, cô chỉ có thể làm việc trên những chuyến bay quốc nội với tần suất thấp. Thậm chí có tháng, cô không bay chuyến nào, chỉ ở nhà chờ đợi thông tin từ cấp quản lý.
Giáng cho biết hiện tại các đường bay thương mại quốc tế, đặc biệt ở khu vực châu Á, đã được phép mở lại hoàn toàn nhưng lượng khách chưa thể khôi phục về mức như trước đây.
Do vậy, cô chỉ bay quốc tế với tần suất vài chuyến/tuần đến Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Đài Loan thay vì vài chuyến/ngày như khi trước dịch.
"Dù số giờ bay vẫn chưa nhiều như giai đoạn trước đây nhưng tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc khi được trở lại bầu trời quốc tế. Mặt khác, công việc dần hồi phục, mức thu nhập của chúng tôi cũng gia tăng đáng kể so với giai đoạn chỉ có thể nhận lương cứng từ công ty", Giáng nói.
Tuy nhiên, theo Giáng, làm việc trong trạng thái bình thường mới cũng khiến cô và đồng nghiệp buộc phải tuân thủ nhiều quy định phòng dịch nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân, hành khách và cộng đồng.
Theo đó, trước mỗi chuyến bay, toàn bộ phi hành đoàn phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo phương pháp test nhanh hoặc PCR. Ngoài ra, tất cả đều luôn luôn đeo khẩu trang, kính chắn và sát khuẩn thường xuyên trong khi làm việc.
Nếu có chuyến bay quốc tế ngủ lại nước ngoài, phi hành đoàn phải cam kết ở trong khách sạn chỉ định thay vì được ra ngoài vui chơi như trước đây.
"Vì đã quen với các quy định làm việc trong bối cảnh dịch bệnh, tôi không thấy khó chịu với những thủ tục nêu trên. Đối với tôi, được bay trở lại, có thể kéo vali đi và về nhà với sức khỏe tốt đã là điều hạnh phúc nhất", cô bày tỏ.