Hiệu quả của các loại vắc xin Trung Quốc, đặc biệt là trước các biến thể Covid-19 mới, ban đầu còn chưa rõ ràng nhưng đang bắt đầu được hé lộ cụ thể sau khi được tiêm rộng rãi tại nhiều nước - nơi biến thể Delta và Gamma đang lây lan mạnh.
Hiệu quả của các loại vắc xin Trung Quốc, đặc biệt là trước các biến thể Covid-19 mới, ban đầu còn chưa rõ ràng nhưng đang bắt đầu được hé lộ cụ thể sau khi được tiêm rộng rãi tại nhiều nước - nơi biến thể Delta và Gamma đang lây lan mạnh.
Đến nay, Trung Quốc đã xuất khẩu gần một tỷ liều vắc xin Covid-19 sang hơn 60 quốc gia, nằm trong cam kết cung cấp 2 tỷ liều trong năm nay.
Dựa trên kết quả thực tiễn, các nhà nghiên cứu kết luận rằng có thể các loại vắc xin Covid-19 của Trung Quốc kém hiệu quả hơn so với những loại vắc xin Covid-19 khác nhưng vẫn giúp người tiêm tránh bị bệnh nặng hoặc tử vong.
Theo đó, chuyên gia chỉ ra rằng các loại vắc xin Covid-19 Trung Quốc - đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng cho trường hợp khẩn cấp - vẫn quý giá đối với các quốc gia đang thực sự cần.
Một nghiên cứu tại Bahrain được công bố vào tháng trước đã tiến hành so sánh hiệu quả của 4 loại vắc xin Covid-19- gồm vắc xin do các công ty Sinopharm, AstraZeneca, Pfizer-BioNTech sản xuất và vắc xin Sputnik V - trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 tới tháng 7/2021.
Nghiên cứu cho thấy vắc xin của Sinopharm, dù có hiệu quả trong việc ngăn chặn nguy cơ nhập viện và tử vong, nhưng kém hiệu quả hơn so với các loại vắc xin khác, đặc biệt là ở người trên 50 tuổi.
Trong nhóm người trên 50 tuổi nhiễm Covid-19, tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân đã tiêm vắc xin Sinopharm là 1,53%, cao hơn so với tỷ lệ 0,79% của vắc xin Sputnik V, 0,69% của vắc xin pfizer-BioNTech và 0% của vắc xin AstraZeneca. Tỷ lệ cần tới chăm sóc đặt biệt ở nhóm bệnh nhân tiêm vắc xin của Sinopharm là 1,7%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở vắc xin Pfizer-BioNTech và AstraZeneca lần lượt là 0,23% và 0,17%. Tỷ lệ của vắc xin Sputnik V là 0%.
Tại Brazil, nơi biến thể Gamma đang chiếm chủ đạo, một nghiên cứu với 76 triệu người đã tiêm vắc xin được công bố vào tháng trước cho thấy vắc xin AstraZeneca mang lại hiệu quả bảo vệ khoảng 90% trong việc giúp ngăn chặn tình trạng phải nhập viện, bệnh nặng phải chăm sóc đặt biệt hoặc tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ này của vắc xin Sinovac - một nhà sản xuất vắc xin khác của Trung Quốc - là khoảng 75%.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng, sự khác biệt trong hiệu quả của các loại vắc xin có thể là do công nghệ khác nhau.
Các loại vắc xin sử dụng công nghệ virus bất hoạt như Sinopharm và Sinovac sử dụng virus SARS-CoV-2 đã bị bất hoạt để kích hoạt hệ thống miễn dịch. Trong khi đó, các loại vắc xin sử dụng công nghệ véc-tơ virus như AstraZeneca sử dụng một virus vô hại đã được điều chỉnh mang vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2 để kích thích phản ứng miễn dịch.
Sự so sánh thiếu sự công bằng?
Tuy nhiên, theo ông Zheng Zhongwei, một quan chức thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc dẫn đầu hoạt động phát triển vắc xin của nước này, những so sánh như vậy là không công bằng với vắc xin sử dụng công nghệ bất hoạt.
“Khả năng miễn dịch của tất cả vắc xin Covid-19 thường suy giảm sau 3 tháng và ở một số quốc gia, vắc xin bất hoạt đã được tiêm từ 2-3 tháng trước hoặc sớm hơn, trước khi các loại vắc xin khác xuất hiện”, ông Zheng lập luận.
“Tôi không muốn nói loại vắc xin nào có khả năng bảo vệ tốt hơn, nhưng tôi hy vọng điều này được nhìn nhận dưới góc độ khoa học”.
Trước đó, WHO cũng nhấn mạnh rằng, không thể so sánh các loại vắc xin trực tiếp với nhau, vì mỗi nghiên cứu có các phương pháp tiếp cận khác nhau. Theo tổ chức này, tất cả các loại vắc xin đã được WHO phê duyệt dùng trong trường hợp khẩn cấp đều có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh Covid-19 nghiêm trọng.
Trong bài xã luận đi liền với nghiên cứu của Chile về vắc xin Sinovac, Tiến sĩ Annelies Wilder-Smith, cố vấn của WHO, và Tiến sĩ Kim Mulholland, thành viên Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược tiêm chủng của WHO, lưu ý rằng hiệu quả của vắc xin này vẫn ở mức “đáng kể”.