Trong tháng 11, chỉ số giá sản xuất cũng như tiêu dùng của Trung Quốc đều giảm sút, tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nới lỏng chính sách khi nền kinh tế đang cố gắng phục hồi vào năm tới.
Trong tháng 11, chỉ số giá sản xuất cũng như tiêu dùng của Trung Quốc đều giảm sút, tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nới lỏng chính sách khi nền kinh tế đang cố gắng phục hồi vào năm tới.
Chỉ số giá sản xuất đã giảm 1,3% trong tháng 11 so với một năm trước đó sau khi giảm cùng mức độ trong tháng 10, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết ngày hôm qua.
Bên cạnh đó, lạm phát tiêu dùng giảm xuống 1,6% từ 2,1% trong tháng 10, tương tự như dự đoán của các nhà kinh tế. Lạm phát cốt lõi, không lương thực và năng lượng, tiếp tục giữ nguyên ở ngưỡng 0,6%.
Ông Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, nhận định, dữ liệu lạm phát mới cho thấy “động lực kinh tế của Trung Quốc đang tiếp tục yếu đi”.
“Tôi hy vọng Chính phủ sẽ làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy niềm tin của thị trường và hộ gia đình. Tốc độ mở cửa nhanh chóng cho thấy Bắc Kinh đã nhận thấy tính cấp bách của vấn đề”, ông bổ sung.
Số liệu lạm phát yếu tạo cho PBoC thêm một ít dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ - có thể bao gồm cả phương án cắt giảm lãi suất - ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các Ngân hàng Trung ương lớn khác được dự đoán sẽ tiếp tục nâng lãi suất vào năm tới.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Bloomberg, các nhà kinh tế kỳ vọng PBoC sẽ hạ lãi suất cho vay trung hạn vào quý II/III -2023. đồng thời giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 và 5 năm vào tháng 3. PBoC cũng có thể hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số chuẩn CSI 300 tăng 0,27% trong phiên giao dịch sáng cuối tuần (9/12), đảo ngược mức giảm trước đó.
Xem thêm: Giới phân tích Trung Quốc săn tìm manh mối về sự thay đổi trong lĩnh vực bất động sản
Ngoài ra, các ca nhiễm Covid cao kỷ lục trong tháng 11 và những hạn chế đi lại cũng như lệnh phong tỏa đã khiến hoạt động kinh tế tháng vừa qua ở Trung Quốc bị hạn chế đáng kể. Các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều bị tổn hại, trong khi giao dịch thương mại thu hẹp với tốc độ nhanh hơn,
Kể từ đó, Bắc Kinh đã công bố một số bước đi quan trọng hướng tới việc rút lại chính sách zero-Covid. Chính phủ cũng phát tín hiệu sẽ tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng trong năm tới.
Ông Bruce Pang, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc, Hong Kong và Macau của hãng bất động sản Jones Lang LaSalle, dự đoán áp lực lạm phát có thể tăng lên khi Zero COVID kết thúc.
Ông nói: “Khả năng mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể mang lại những thách thức về lạm phát do nhu cầu gia tăng, đặc biệt là tiêu dùng hộ gia đình đang tăng nhanh và sự gián đoạn ngắn hạn đối với nguồn cung lao động, sản xuất và chuỗi cung ứng”.
Các nhà kinh tế dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ mở rộng khoảng 3% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu 5,5% mà Chính phủ đã đề ra vào mùa xuân.