Dự kiến từ đầu năm 2022, sàn TMĐT phải kết nối thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử.
Dự kiến từ đầu năm 2022, sàn TMĐT phải kết nối thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử.
Đây là một trong những nội dung trong thông báo của Tổng cục thuế về dự kiến lộ trình việc kết nối cung cấp thông tin thay vì áp dụng chính thức từ 1/8.
Theo lộ trình này, từ nay đến trước 1/8, Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương sẽ khảo sát thực tế một số sàn giao dịch thương mại điện tử để xây dựng chuẩn dữ liệu, dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các sàn.
Từ 1/8 đến trước 1/10, Tổng cục Thuế tổng hợp ý kiến phản hồi, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chuẩn dữ liệu kết nối thông tin.
Từ 1/10 đến hết năm nay, Tổng cục Thuế và các sàn sẽ nâng cấp ứng dụng để đảm bảo việc kết nối thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử.
Từ 1/1/2022, sàn thương mại điện tử kết nối thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử.
Với lộ trình dự kiến này, Tổng cục thuế đề nghị Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam và các Sàn giao dịch thương mại điện tử có đề xuất cụ thể chậm nhất trước 3/7.
Lộ trình này được đưa ra sau khi quy định các sàn như Shoppe, Tiki, Lazada, Sendo... phải khấu trừ thuế trực tiếp trên doanh thu người bán gặp phải nhiều ý kiến trái chiều về tính hợp lý và chưa nhất quán với các luật về thuế.
Theo Nghị định 126 và Thông tư 40 do Bộ Tài chính ban hành, sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin người bán bao gồm doanh thu, tài khoản ngân hàng và mặt hàng kinh doanh cho cơ quan thuế để quản lý thuế hiệu quả hơn.
Thông tư 40 quy định cụ thể về trách nhiệm này của sàn thương mại điện tử có hiệu lực từ 1/8. Tuy nhiên, nhiều sàn thương mại điện tử lo ngại đây là khoảng thời gian quá ngắn để họ kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, quy định tại Thông tư 40 cũng yêu cầu các sàn thương mại điện tử dần dần theo lộ trình sẽ phải khai, nộp thuế thay hộ cá nhân kinh doanh trên sàn. Quy định này đang có nhiều ý kiến trái chiều về tính hợp lý và chưa nhất quán với các luật về thuế.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế, trước đây việc quản lý thu thuế theo phương thức cũ tốn rất nhiều công sức, thời gian của cơ quan thuế và người nộp thuế.
Việc thực hiên các giải pháp thông qua sàn giao dịch TMĐT kê khai nộp thuế thay, sẽ tối ưu hóa công tác quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu đầu mối kê khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Trong đó, các trường hợp hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi trực tiếp bán nông sản qua sàn sẽ được hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế theo quy định.
Đối với cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thuộc diện được miễn thuế. Cuối năm cá nhân này tự xác định doanh thu trong năm và được đề nghị xử lý hoàn trả hoặc bù trừ vào số phải nộp phát sinh của kỳ sau theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
"Cơ quan thuế triển khai quản lý thuế điện tử đối với cá nhân, để đáp ứng việc khai, nộp và hoàn thuế điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân kinh doanh khi thực hiện nghĩa vụ thuế thông qua sàn giao dịch TMĐT", bà Anh nói.
Các khoản thu thuế được tính thế nào?
Vẫn áp dụng như cũ. Theo đó, cá nhân kinh doanh có thu nhập năm từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Trong đó:
- Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
- Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Mức thuế áp dụng cho cá nhân bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng) là 1% thuế GTGT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân.