Theo đó, vòng rót vốn này được đồng dẫn dắt bởi quỹ đầu tư Venturra Discovery (thuộc Grab) và Golden Gate Ventures (thuộc Gojek), cùng iSeed SEA, Gokul Rajaram và các nhà đầu tư thiên thần khác. Vidit Aatrey và Sanjeev Barnwal, hai nhà đồng sáng lập của Meesho - "kì lân" thương mại điện tử qua mạng xã hội (social commerce) tại Ấn Độ cũng tham gia với vai trò nhà đầu tư, kiêm cố vấn chiến lược cho chương trình.
Mio được thành lập tháng 6/2020 bởi Huỳnh Hữu Trung (cựu thành viên quỹ IDG Vietnam Ventures), Phạm Hoàng An (đồng sáng lập Giao Hàng Nhanh), cùng Lê Anh Tú và Phạm Phi Long. Startup này hiện có hàng trăm đại lý, chủ yếu tập trung vào ngành hàng đồ tươi sống.
Từ năm 2011 - 2014, Huỳnh Hữu Trung là một nhân sự cao cấp của IDG Ventures, qũy đầu tư mạo hiểm mảng công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Với vai trò này, anh tiếp xúc với nhiều nhà sáng lập thương mại điện tử tại Việt Nam và có cái nhìn sâu hơn vào những thách thức mà họ gặp phải.
“Chi phí thâu tóm khách hàng rất cao, giao hàng chặng cuối đầy thách thức và phương thức thanh toán giao hàng trả tiền (COD) vẫn cực kỳ phổ biến ở Việt Nam”, Huỳnh Hữu Trung chia sẻ với Tech in Asia.
=> Xem thêm: Những startup Việt gọi vốn triệu đô trong 3 tháng đầu năm 2021
Huỳnh Hữu Trung cũng nhìn nhận được một thực tế rằng nhiều startup thương mại xã hội đã phát triển bằng cách giải quyết những vấn đề nói trên ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Dù vậy, anh không cho rằng xu hướng này có nhiều ý nghĩa ở Việt Nam vào thời điểm đó. Quan điểm của Huỳnh Hữu Trung thay đổi khi anh nhìn thấy một bà mẹ 60 tuổi nhờ hàng xóm đặt hàng trực tuyến và nhờ họ giao hàng đến tận nhà bà.
Mio cho biết, nhận thấy người dân tại nông thôn dành 67% thời gian trên Internet hằng ngày cho mạng xã hội và các ứng dụng chat, nên nhóm này quyết định bắt tay thành lập Mio. Nền tảng này đóng vai trò là một kênh phân phối cho thương mại điện tử vùng nông thôn qua các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, TikTok và Instagram.
Mio tập trung khuyến khích và hỗ trợ các nhà bán hàng là phụ nữ, giúp họ có thể trở thành hộ kinh doanh độc lập hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ. Nền tảng này cho biết sẽ đào tạo kỹ năng bán hàng, xử lý đơn hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đưa ra giá cả phù hợp và hỗ trợ logistics cho họ.
Đến nay, nền tảng này đã xây dựng được hàng trăm đối tác bán hàng (giúp họ có thêm thu nhập từ 2 - 8 triệu đồng mỗi tháng). Mio cũng biết sẽ dùng số tiền huy động được để xây dựng trung tâm phân phối, tuyển dụng nhân tài, nhất là đội ngũ công nghệ và sản phẩm, để phát triển thêm tính năng cho nhà bán hàng, ví dụ như cá nhân hóa sản phẩm.
Ông Vidit Aatrey, đồng sáng lập và CEO của Meesho đánh giá cao tầm nhìn và khả năng thực thi của những nhà đồng sáng lập Mio. Trong khi đó, ông Sanjeev Barnwal, đồng sáng lập và CTO của Meesho, nhận xét đội công nghệ và kỹ sư của startup này đang giải quyết những bài toán khó và nhân rộng mô hình social commerce của Meesho tại Việt Nam.
Theo các nhà sáng lập Mio, dù người tiêu dùng nông thôn Việt Nam chiếm 63% dân số và 60% GDP nhưng các sàn thương mại điện tử lớn hiện vẫn ưu tiên rót nguồn lực và vốn vào khu vực thành thị. Chi phí cho việc vận chuyển và giao hàng ở nông thôn khá cao do đặc thù địa bàn rộng lớn, dân cư thưa thớt và hệ thống đường giao thông không thuận tiện. Vì vậy, đây vừa là thách thức nhưng cũng là một cơ hội cho họ tiên phong khai phá thị trường.
Bên cạnh đó, tổng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng tăng trưởng thêm 4.500 tỷ USD/năm nếu phụ nữ khẳng định rõ hơn vai trò vị trí của mình khi tham gia vào nền kinh tế. Vì vậy, startup này muốn tập trung vào các nhà bán hàng phụ nữ để họ đóng góp đáng kể hơn cho nền kinh tế khu vực nông thôn.
Mio cho biết họ dự định sẽ mở rộng thêm ra 5 thành phố trong năm nay, đồng thời đầu tư vào hệ thống trung tâm phân phối cũng như đội ngũ nhân sự công nghệ, sản phẩm.