Lê Anh Tiến, SN 1990, tốt nghiệp khoa Điện tử - Viễn thông (Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) năm 2015, là 1 trong 10 nhân vật dưới 30 tuổi trong danh sách People to Watch 2017 do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Tiến cùng người anh song sinh đồng hành và sở hữu nhiều phần mềm đạt một số giải thưởng trong nước và quốc tế.
Hành trình lội ngược dòng
Bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm lớp 10, Anh Tiến sau đó giành được nhiều giải thưởng lớn như huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo (Trung ương Đoàn), Nhà sáng chế trẻ (Bộ Khoa học và công nghệ), cùng người anh song sinh đoạt huy chương bạc cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên toàn quốc - Vifotec...
Được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Anh Tiến học 2 năm rồi sau đó chuyển qua Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) để theo đuổi khoa điện tử viễn thông, chuyên ngành kỹ thuật máy tính.
"Thời điểm đó, những thuật ngữ trí tuệ nhân tạo, máy học... là những gì đó rất mới mẻ và mơ hồ nên không được nhiều người chọn theo. Còn tôi lại nghĩ cơ hội sẽ nhiều hơn nếu bản thân không đi theo số đông, dễ bị "bão hòa" nhu cầu", Anh Tiến giải thích về lựa chọn ngược dòng.
Sự ngược dòng đó thực chất không khiến nhiều bạn bè cùng khóa ngạc nhiên bởi Anh Tiến luôn tư duy khác với mọi người.
Xem thêm: Shark Mỹ Mark Cuban rót tiền vào startup game Việt dựa trên nền tảng blockchain
Cấy nền tảng vào nền tảng
Mục đích ban đầu khi xây dựng Chatbot là phục vụ việc quản lý cửa hàng cà phê mà Lê Anh Tiến và đội ngũ sáng lập đang vận hành tại một không gian làm việc chung. Sau 3 tháng triển khai thử nghiệm đạt hiệu quả trên mức kỳ vọng, đội ngũ này cải tiến và nhân rộng trở thành sản phẩm thương mại.
Lê Anh Tiến cùng đội ngũ sáng lập dựa trên những con số “biết nói” để lựa chọn mô hình “ký sinh” cho Chatbot. Đó là: 48% dân số Việt Nam sử dụng mạng xã hội, 91% cửa hàng sử dụng Facebook, hơn 30 triệu người dùng Facebook sẽ có tương đương số lượng tài khoản sử dụng Messenger.
Trước khi khởi nghiệp với Chatbot, Tiến kinh qua nhiều dự án, làm thuê cho một số công ty cho đến cùng cộng sự vận hành một quán cà phê. Anh bộc bạch năm 2016, thế giới mới biết đến khái niệm Chatbot (công cụ kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) đã được lập trình sẵn để tương tác với con người).
Chatbot có mặt ở Việt Nam với mục đích giải quyết vấn đề tự động hóa, giúp khách hàng dễ dàng giao tiếp với các nền tảng nhắn tin hơn.
Được định giá hơn 1 triệu USD, nền tảng Chatbot là sản phẩm công nghệ ứng dụng cho nhà quảng cáo và bán hàng tại Việt Nam, hỗ trợ các cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ tối ưu thời gian kinh doanh, vận hành trên Messenger của Facebook. Sau 2 năm, hiện nền tảng Chatbot có hơn 1 triệu người dùng tương tác hằng tháng.
Xem thêm: Startup 'nhận lương theo ngày' của cựu CEO Uber và ZaloPay huy động được 3 triệu USD
Bứt "ký sinh", sống độc lập
Những ngày đầu tiên, khó khăn lớn nhất là làm sao thuyết phục người dùng sử dụng nền tảng mới Chatbot. Để thuyết phục doanh nghiệp, anh Tiến cùng cộng sự sử dụng chiến lược cho khách hàng dùng thử.
"Chúng tôi nhận được gói tài trợ của Facebook và Amazon khoảng 80.000 USD, số tiền đó hỗ trợ chi phí hạ tầng server, quảng cáo, còn giúp chúng tôi hỗ trợ khách hàng sử dụng trong vòng chín tháng. Trong thời gian này, chúng tôi hướng dẫn, đào tạo khách hàng quen với sản phẩm của mình. Sau thời gian dùng thử, nếu sản phẩm có hiệu quả, khách hàng sẽ vui vẻ trả phí", Lê Anh Tiến chia sẻ.
Chưa kể khối lượng công việc nhiều mà đội ngũ sáng lập chỉ có ba người, Tiến cho biết với công nghệ mới, nếu để khách hàng làm quá nhiều thao tác sẽ rối. Do đó, bắt buộc đội ngũ sáng lập phải lập trình, tạo ra sản phẩm đơn giản cho khách hàng, giảm được việc hỏi - đáp tránh mất thời gian.
Khoảng thời gian cam go nhất là khi Facebook bị rò rỉ dữ liệu. Sống trên nền tảng Facebook nên Chatbot hay các ứng dụng trên nền tảng này đều bị dừng hoạt động.
"Tôi nhớ thời gian đóng là sáu tháng. Không để rơi vào trạng thái bị động, chúng tôi tìm giải pháp, lập trình lại hệ thống, định hướng sản phẩm trở thành nền tảng "data driven" - điều hướng dữ liệu. Cuối năm 2018, chúng tôi chính thức tách ra khỏi nền tảng Facebook", đồng sáng lập Chatbot trả lời báo chí.
Có thời điểm anh đảm đương luôn hai công việc: vừa khởi nghiệp vừa đi làm thuê cho công ty để kiếm tiền phục vụ dự án khởi nghiệp của mình. Một ngày anh dành trọn 20 giờ cho công việc: 8 tiếng làm thuê ở công ty, 12 tiếng còn lại cho dự án và chỉ có 3 - 4 giờ/ngày để ngủ.
Tiến bày tỏ bất kỳ ai làm về khởi nghiệp cũng vậy, đặc biệt lĩnh vực công nghệ luôn dành hết tâm huyết để làm sao tạo ra sản phẩm cho hàng triệu người dùng. Đó là động lực để họ làm ra sản phẩm tốt hơn nữa.