Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét, so với nhu cầu thực tiễn và các thị trường khác, đặc biệt là so với các nước phát triển và một số nước trong khu vực, thị trường KHCN còn chậm phát triển, thiếu thực chất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét, so với nhu cầu thực tiễn và các thị trường khác, đặc biệt là so với các nước phát triển và một số nước trong khu vực, thị trường KHCN còn chậm phát triển, thiếu thực chất.
Chiều 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập".
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, so với nhu cầu thực tiễn và các thị trường khác, đặc biệt là so với các nước phát triển và một số nước trong khu vực, thị trường KHCN còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, nhiều nơi còn hình thức, thiếu thực chất.
Đặc biệt, thể chế, chính sách phát triển thị trường KHCN còn bất cập, thiếu đồng bộ làm cho việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… gặp nhiều khó khăn, thậm chí ách tắc, nhất là trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ như hiện nay.
Việc thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại, các nhà khoa học học còn hạn chế, làm khan hiếm nguồn cung hàng hoá KHCN trên thị trường.
Việc giao dịch mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư. Việc chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế.
Thủ tướng cũng đánh giá, các tổ chức trung gian về chuyển đổi công nghệ còn yếu về năng lực, chưa đủ uy tín và chưa có thương hiệu để thúc đẩy giao dịch công nghệ; chưa có các tổ chức trung gian chuyên ngành trong các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng. Chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước, kết nối với thị trường khu vực và quốc tế.
Hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN còn yếu kém, lạc hậu, thiếu khả năng liên thông và tương tác giữa các chủ thể tham gia. Cổng thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật số về thị trường KHCN chưa được đầu tư phát triển.
Thủ tướng nêu rõ, những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường KHCN thời gian tới, Thủ tướng cơ bản nhất trí với Báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển thị trường KHCN phải lấy khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Phát triển của thị trường KHCN cần có chính sách đồng bộ, phù hợp, sự sẵn sàng của các nguồn cung cầu công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng năng lực, uy tín và thương hiệu của các tổ chức trung gian.
Phát triển thị trường KHCN cần được đặt trong bối cảnh và mối quan hệ biện chứng, liên thông, đồng bộ với phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, tài chính và các thị trường khác; gắn kết thị trường trong nước với thị trường toàn cầu và khu vực, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Phát triển thị trường KHCN phải tuân thủ các quy luật thị trường (quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh (cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, bền vững để giảm giá thành, chất lượng cao, thanh toán thuận lợi).
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Phát triển thị trường KHCN quốc gia đến năm 2030 theo Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường KHCN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học. Đẩy mạnh kết nối cung cầu, người mua và người bán, sản xuất và tiêu dùng.
Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, nhất là các tổ chức lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian thuộc khu vực tư nhân. Phát triển mạnh mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ KHCN tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN.
Đầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm đã được quy hoạch phê duyệt liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới.
Tăng cường xúc tiến thị trường KHCN tại các địa bàn có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường, các thị trường tiềm năng mà Việt Nam có lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Đẩy mạnh tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường KHCN quy mô vùng, quốc gia và quốc tế; quảng bá thị trường KHCN và đổi mới sáng tạo; lồng ghép, phối hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư.
Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN. Từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật số về thị trường KHCN trong nước và quốc tế.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KHCN. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thị trường KHCN và phát triển thị trường KHCN. Phát triển các doanh nghiệp tiên phong trong mua bán công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn.
Thứ ba, đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KHCN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội trong phát triển thị trường KHCN.
Thứ tư, tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, sớm đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước, từ hợp tác công tư và nghiên cứu của tư nhân vào sản xuất, kinh doanh.
Thứ năm, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Thứ sáu, xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái KHCN, thị trường KHCN đồng bộ, toàn diện hơn nữa.