ĐBQH đoàn Hà Nội đề nghị cân nhắc lợi ích quốc gia, không đầu tư vào lĩnh vực dầu khí bằng mọi giá bởi trên thực tế đã có những trường hợp phải trả giá rất đắt…
ĐBQH đoàn Hà Nội đề nghị cân nhắc lợi ích quốc gia, không đầu tư vào lĩnh vực dầu khí bằng mọi giá bởi trên thực tế đã có những trường hợp phải trả giá rất đắt…
Góp ý xây dựng Luật Dầu khí, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho rằng dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế thì tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai. Tuy nhiên, việc khai thác dầu khí lại là quá trình vô cùng khó khăn.
Theo Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Tờ trình của Chính phủ có nêu một trong những định hướng sửa đổi quan trọng là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài và “định hướng đó hoàn toàn đúng đắn.”
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng rất cần đề cao tính thận trọng, vì trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo.
“Trong những năm qua sản lượng luôn giảm. Năm 2018, số thu từ dầu thô chiếm 4,6%, đến năm 2021 còn 2,6%. Trữ lượng dầu khí cũng là vấn đề rất cần quan tâm. Bên cạnh đó, trên thực tế thời gian qua cũng có những trường hợp đầu tư thu hút nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí cũng phải trả giá rất đắt. Vì vậy, tôi nghĩ trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, không đầu tư bằng mọi giá.” – đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu ý kiến.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) thì đề nghị bổ sung quy định liên quan đến lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí tương tự như quy định của Luật Dầu khí hiện hành và tinh thần của Luật Đấu thầu. Theo đó, cần đảm bảo nguyên tắc công bằng, cạnh tranh minh bạch và quy định rõ pháp luật trong trường hợp đồng dầu khí có sự tham gia của cả nhà thầu nước ngoài, PVN và doanh nghiệp 100% vốn của PVN để tránh chồng chéo.
Mở rộng quy định đầu tư tại nước ngoài để tránh thiệt hại
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) đề nghị trong dự thảo Luật Dầu khí lần này cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật tại Điều 1 và bổ sung một chương riêng để làm rõ quy định về hợp tác đầu tư hoạt động dầu khí của Việt Nam tại nước ngoài.
“Những nội dung nào thì cần tuân thủ những quy định gì để tránh gây nên những thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước như đã từng xảy ra” – đại biểu Trần Hồng Nguyên nêu ý kiến và dẫn chứng: Trong thực tế, một số dự án hợp tác đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí tại nước ngoài không thành công đã gây nên những thiệt hại cho Nhà nước.
“Tôi được biết Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 24 dự án tìm kiếm, thăm dò, phát triển dầu khí không thành công với tổng chi phí khoảng trên 700 triệu USD, dự án Daman (Iran) và Junin (Venezuela); dừng, giãn tiến độ 2 dự án ở Peru hơn 800 triệu USD hiện đang xin chủ trương chuyển nhượng, v.v.. Trong các hoạt động dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện nay có 2 dự án phát triển khai thác ở Liên bang Nga, 5 dự án ở Venezuela, Argentine, Malaysia, Peru; 7 dự án tìm kiếm, thăm dò ở Campuchia, Myanmar, Iran, Congo, Peru; 8 dự án đã kết thúc ở Lào, Tunisia, Cuba, Indonesia, Madagascar và Cameroon” – vị Đại biểu tỉnh Khánh Hòa nêu rõ.