Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, theo dự báo, trong nửa còn lại của năm nay, thị trường bất động sản sẽ trầm lắng và không có nhiều đột biến.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, theo dự báo, trong nửa còn lại của năm nay, thị trường bất động sản sẽ trầm lắng và không có nhiều đột biến.
Lạc quan là tâm trạng chung các nhà đầu tư, doanh nghiệp kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm xáo trộn nhiều dự định, kế hoạch trước đó. Thanh khoản thị trường bất động sản sụt giảm nghiêm trọng, hầu hết các doanh nghiệp tạm ngừng các kế hoạch kinh doanh để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, nếu dịch bệnh đến cuối tháng 8 mới được kiểm soát, theo hướng tiêu cực nhất, thị trường nửa cuối năm sẽ tăng trưởng không cao do các doanh nghiệp dần bị đuối sức.
Các kế hoạch sản xuất kinh doanh sẽ bị phá vỡ, doanh thu ụt giảm nghiêm trọng. Toàn thị trường sẽ khó tăng trưởng trên mức 20% so với nửa đầu năm.
"Sẽ khó có những thay đổi mang tính đột phá trong những tháng còn lại của năm 2021 này trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp vẫn đang ưu tiên các biện pháp mang tính chống đỡ, dù tâm lý thị trường vẫn khá tốt và chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 trên diện rộng đang được triển khai. Đại dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến thu nhập của người dân và doanh nghiệp và cần thời gian để khách hàng cũng như tâm lý chung của thị trường quay trở lại trạng thái trước đại dịch", Tổng Giám Đốc Colliers Việt Nam David Jackson nhận định.
Các biện pháp giãn cách xã hội hiện đang ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các dự án. Trong khi các chủ đầu tư cũng không vội mở bán các dự án mới. Dự báo nguồn cung mới ở tất cả các phân khúc bất động sản sẽ giảm mạnh thời gian tới.
Tuy nhiên, đại diện Colliers Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp đánh giá lại kế hoạch kinh doanh, nắm bắt nhanh cơ hội khi dịch đi qua.
"Đại dịch Covid-19 cũng khiến cho việc liên lạc, trao đổi dữ liệu và phân tích trên các nền tảng trực tuyến tăng lên. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đánh giá lại mô hình kinh doanh, tìm kiếm và nắm bắt các cơ hội mới. Nhà đầu tư và doanh nghiệp lúc này cũng nên phân tích, lập kế hoạch với cái nhìn hướng về giai đoạn khi thị trường hồi phục để có thể nắm bắt nhanh các lợi thế khi tâm lý thị trường cũng như nhu cầu gia tăng trở lại", Tổng Giám Đốc Colliers Việt Nam David Jackson cho hay.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết, năm nay chỉ cần đạt được 50% so với mục tiêu kế hoạch kinh doanh đã đề ra từ đầu năm đã là một thành công lớn.
Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho biết, trong 6 tháng cuối năm, những tác động của Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản, dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, các phân khúc bất động sản và dự án.
Trong đó, bất động sản công nghiệp sẽ giữ vị thế một trong những phân khúc có triển vọng phát triển tốt nhất. Đà tăng trưởng của địa ốc công nghiệp vẫn hưởng lợi từ các thương vụ mua bán và sáp nhập. Bên cạnh đó, thị trường được kỳ vọng tiếp tục đón nhiều nhu cầu mới, đặc biệt tại các khu vực kinh tế triển vọng.
Với bất động sản nhà ở, nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường có đánh giá lạc quan hơn, song cũng cho thấy những mảnh ghép trái chiều giữa các loại hình sản phẩm. Trong đó, Savills cho rằng, tâm điểm trong nửa cuối năm sẽ là bất động sản hàng hiệu, đặc biệt khi Việt Nam thuộc nhóm các thị trường tăng trưởng tốt trên thế giới ở dòng này. Dự kiến, thị trường Hà Nội và TP. HCM sẽ còn đón thêm các dự án này.
Riêng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, về mặt thanh khoản, các đơn vị nghiên cứu chưa đưa ra những nhận định xán lạn hơn, song cũng chỉ ra những bước đi chắc chắn hơn trong thời gian tới. Savills Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ ghi nhận những tín hiệu khả quan nhất định trong nửa cuối năm nay khi các chủ đầu tư đã lựa chọn cẩn thận hơn các nhà điều hành uy tín cho các dự án nghỉ dưỡng cao cấp hơn là chỉ đầu cơ cho các dự án căn hộ khách sạn (condotel) như giai đoạn trước. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận điểm sáng đến từ phân khúc đất nhà vườn, trang trại, nghỉ dưỡng ven đô, xuất phát từ làn sóng "bỏ phố về quê" khi dịch bệnh xuất hiện.