Tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì Phiên họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.
Tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì Phiên họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.
Phiên thẩm định có sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo - cơ quan chủ trì soạn thảo và đại diện các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan.
Phát biểu tại Phiên họp, đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành Giáo dục.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay, việc có một luật riêng điều chỉnh về nhà giáo là hết sức cần thiết để nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước; nâng cao nhận thức xã hội, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Cho ý kiến tại Phiên họp, đại diện Bộ Nội vụ nhấn mạnh cần đánh giá chi tiết các hạn chế, bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật về nhà giáo hiện nay để làm nổi bật sự cần thiết phải xây dựng Luật Nhà giáo. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị ban soạn thảo cân nhắc không đề cập chính sách tiền lương mới và mức phụ cấp ưu đãi trong nội dung các khó khăn vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp theo lương đối với nhà giáo tại Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật về nhà giáo.
Đại diện Bộ LĐ,TB&XH đề nghị ban soạn thảo bổ sung các chính sách đặc thù đối với nhà giáo thực hiện các công việc giáo dục – giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời quy định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm thi hành Luật Nhà giáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Nhất trí cần phải có quy định thống nhất về tiêu chuẩn nhà giáo, Đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đề xuất, đối với cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập cần có quy trình tuyển dụng, thuyên chuyển công tác riêng phù hợp với đặc trưng của từng loại hình cơ sở giáo dục, đồng thời làm rõ khái niệm nhà giáo, phân biệt khái niệm nhà giáo với giáo viên, giảng viên; rà soát các chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhà công vụ cho nhà giáo với các quy định tại Luật Nhà ở; đánh giá chi tiết tác động của các chính sách đến kinh tế - xã hội.
Tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã nêu ý kiến về các nội dung cần thẩm định theo quy định của pháp luật, đồng thời đề nghị ban soạn thảo cân nhắc phạm vi điều chỉnh của Luật; làm rõ mục tiêu, nội dung, giải pháp và tác động của các chính sách được đề xuất; rà soát sự phù hợp với các quy định pháp luật liên quan và các Điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Do vậy, đã đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho Ngành, cho đất nước.
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật (được đăng trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ), có ý kiến cho rằng, Nhà nước chăm lo, có chính sách đãi ngộ cho giáo viên ở vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Nhưng các chính sách chăm lo, tiền lương... cho những người làm trong ngành giáo dục ở các thành phố lớn - nơi có mức sống cao, giá cả đắt đỏ... chưa thấy thể hiện cụ thể trong dự thảo. Vì vậy, cần đưa các chính sách quan tâm, đãi ngộ cho giáo viên ở các thành phố lớn cho tương xứng với thực tế cuộc sống hơn.
Hầu hết các ý kiến đều đồng tình cần cây dựng Luật Nhà giáo, trong đó kiến nghị đảm bảo thu nhập, đời sống cho giáo viên.
Các ý kiến cũng đề nghị trong Luật Nhà giáo cũng cần đưa ra các quy định cụ thể trong việc bảo vệ quyền lợi, danh dự, nhân phẩm của giáo viên.
Có ý kiến đề nghị không lấy chỉ tiêu lên lớp để đánh giá giáo viên; Không cho phép dạy thêm với điều kiện thay đổi hình thức thi kiểm tra, thay đổi cách đánh giá không đòi hỏi học sinh phải giỏi nhiều môn như hiện nay…; đặc biệt là để nghị giảm các hội thi không cần thiết đối với giáo viên.