Các nhà đầu tư ngày càng tỏ ra quan tâm tới thị trường startup Đông Nam Á, thể hiện qua việc họ đang tích cực "săn lùng" các đợt IPO tiếp theo.
Tuy nhiên, theo đối tác quản lý của một trong những công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu của Đông Nam Á, "cơn đói" này nhiều khả năng chưa được giải quyết trong một sớm một chiều. Người này cho biết nhiều startup đang trì hoãn việc niêm yết trên sàn chứng khoán.
"Chắc chắn có những công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi đang được hỏi về kế hoạch IPO bằng nhiều cách khác nhau, song họ chưa thực sự có hứng thú", Vinnie Lauria, nhà sáng lập của quỹ Golden Gate Ventures chia sẻ.
Đông Nam Á là thị trường chứng kiến số lượng đầu tư tăng ồ ạt trong năm 2021. Chỉ tính riêng trong quý 1/2021, thị trường này đã thu hút tổng mức đầu tư trị giá 6 tỷ USD. Thông báo IPO từ Grab, GoTo và Bukalapak đã giúp gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư với startup trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Lauria nói rằng một số công ty trong danh mục đầu tư của ông đã từ chối hoặc hoãn các đề nghị chào bán công khai lần đầu ra công chúng - thông qua SPAC hoặc IPO trực tiếp - vì họ tin rằng startup chưa thực sự trưởng thành và muốn đợi thêm. Việc niêm yết khiến các nhà đầu tư giám sát startup một cách chặt chẽ hơn.
Những bước đi thận trọng
Đông Nam Á hiện là "ngôi nhà" của khoảng 20 kỳ lân - các startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Thị trường startup công nghệ của khu vực này được dự báo sẽ đạt giá trị 1.000 tỷ USD vào năm 2025.
Một số startup đã tuyên bố kế hoạch ra mắt công chúng. Một số khác lại trì hoãn. Tuy nhiên, ông Lauria cho biết năm 2022 có thể đánh dấu một bước ngoặt, với gần một nửa startup đủ khả năng niêm yết vào thời điểm đó.
"Đối với khoảng 20 kỳ lân ở Đông Nam Á, chúng ta có thể sẽ thấy 8 trong số họ đi theo con đường đó (niêm yết) trong năm tới", ông Lauria nói.
Sự lưỡng lự của một số nhà đầu tư có thể trái ngược với việc rời đi của các liên doanh, khi các khoản đầu tư được thực hiện và có thể tạo ra tiền mặt. Ông Lauria nói: "Nếu chúng ta gặp phải hai vụ nổ cùng một lúc, điều đó có thể khiến các nhà đầu tư rời khỏi thị trường Đông Nam Á trong 10 năm vì họ mất rất nhiều tiền ở đó. Hãy chậm lại một chút và đảm bảo sự chắc chắc cùng chất lượng cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ, về lâu dài, điều đó sẽ tốt hơn nhiều".
Các startup thế hệ thứ hai sẽ ‘thay đổi cuộc chơi’
Tuy nhiên, triển vọng của các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á ngày càng tăng. Ông Lauria cho biết khu vực này hiện đang bước vào giai đoạn tăng trưởng tiếp theo khi thế hệ doanh nhân thứ hai xuất hiện.
"Chúng tôi chỉ mới bắt đầu nhìn thấy những bước đi đầu tiên của thế hệ thứ hai. Tuy nhiên khi điều đó xảy ra, tôi nghĩ rằng cuộc chơi sẽ thay đổi khá nhiều", lãnh đạo Golden Gate Venture cho biết.
Thông thường, một thế hệ trong giai đoạn startup kéo dài từ 7 đến 8 năm. Trong thời gian đó, kinh nghiệm và công nghệ tiếp tục phát triển. Điều đó không chỉ nâng cao chất lượng và tầm cỡ của các startup, mà còn nâng cao cả số vốn mà họ có thể huy động được.
Ông Lauria nói thêm: "Đối với thế hệ đầu tiên, có sự khác biệt lớn về kinh nghiệm ở Đông Nam Á so với các thị trường lớn như Mỹ. Bây giờ, rất nhiều điều đã và đang thay đổi để có được thế hệ thứ hai mạnh mẽ, mang lại sự tự tin trong 10 năm tới. Điều này đã đưa thị trường Đông Nam Á vươn ra toàn cầu".