TTO - Quá lo lắng về những biến chứng khi mắc COVID-19 dẫn đến mất ngủ, lo âu kéo dài làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng hậu COVID-19 như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm.
TTO - Quá lo lắng về những biến chứng khi mắc COVID-19 dẫn đến mất ngủ, lo âu kéo dài làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng hậu COVID-19 như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm.
Đó là chia sẻ của BSCKII Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tại Hội thảo quản lý bệnh nhân sau COVID-19 sáng 25-2. Hội thảo do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tổ chức với sự tham gia trực tuyến của hơn 800 y bác sĩ, chuyên gia trên cả nước.
Chia sẻ tại hội thảo, bác sĩ Cấp cho biết những biến chứng hậu COVID-19 đang được nhiều chuyên gia, bác sĩ quan tâm. Cần có những định nghĩa, đánh giá để đưa ra hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân mắc các biến chứng hậu COVID-19.
Theo khảo sát của TS.BS Thân Mạnh Hùng trên 107 bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, có khoảng 13% bệnh nhân gặp tình trạng lo âu, 7% cần chăm sóc sức khỏe tâm thần. Trong đó, 33% bệnh nhân trầm cảm nhẹ, 29% gặp tình trạng mất ngủ.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần hậu COVID-19 do trực tiếp điều trị hoặc do tính chất gây stress của dịch bệnh như rối loạn lo âu, stress… Quá lo lắng vì dịch bệnh cũng dẫn đến biến chứng tâm thần hậu COVID-19.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần uống nhiều nước, điều chỉnh rối loạn giấc ngủ, hạn chế chất kích thích, chế độ ăn cân đối, tập luyện thể dục và giữ tinh thần lạc quan.
Theo TS Trần Văn Giang - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, những triệu chứng kéo dài 4-12 tuần sau khi mắc COVID-19 được gọi là tình trạng COVID-19 kéo dài. Sau 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh và các triệu chứng tồn tại ít nhất 2 tháng, không thể lý giải bằng chẩn đoán khác mới được gọi là biến chứng hậu COVID-19.
Triệu chứng hậu COVID-19 phổ biến nhất bao gồm: mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và một vài triệu chứng khác, có ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Các triệu chứng có thể xuất hiện mới sau khi COVID-19 đã hồi phục hoặc tồn tại từ giai đoạn ban đầu.
"Theo các nghiên cứu trên thế giới, đến nay có khoảng 80% bệnh nhân sau hồi phục COVID-19 có ít nhất 1 triệu chứng hậu COVID-19. Hiện đã phát hiện hơn 200 triệu chứng hậu COVID-19", bác sĩ Nguyễn Hải Ninh - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - thông tin.
"Mặc dù vậy, người bệnh cũng không nên quá lo lắng. Theo ghi nhận, tiêm vắc xin phòng COVID-19 cũng làm giảm nguy cơ mắc biến chứng hậu COVID-19. Hầu hết những biến chứng này không gây nguy hiểm tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh.
Các triệu chứng phổ biến như trầm cảm, mất ngủ, lo âu kéo dài… Để khắc phục tình trạng này, chủ yếu người bệnh phải tự điều chỉnh sinh hoạt để cải thiện. Việc tự điều trị của bệnh nhân là vô cùng quan trọng", bác sĩ Cấp nhấn mạnh.
Nhiều bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 mặc dù sức khỏe vẫn ổn định nhưng vẫn tìm đến cơ sở y tế để thăm khám. Theo bác sĩ Cấp, điều này là không cần thiết. "Người bệnh sau khi mắc COVID-19 gặp những triệu chứng lâm sàng nào thì điều trị càng sớm càng tốt, nếu không có triệu chứng không cần quá lo lắng", bác sĩ Cấp chia sẻ.