Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) đã phát hiện ra rằng, khẩu trang N95 và P2 khi tiếp xúc với chất khử trùng chứa cồn có nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng khả năng bảo vệ...
Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) đã phát hiện ra rằng, khẩu trang N95 và P2 khi tiếp xúc với chất khử trùng chứa cồn có nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng khả năng bảo vệ...
Xịt khử khuẩn lên khẩu trang là cách một số người dùng để tái sử dụng khẩu trang hoặc cũng có người lầm tưởng làm theo cách này sẽ giúp tăng tác dụng bảo vệ của khẩu trang. Tuy nhiên, giới khoa học Australia cảnh báo mọi người không nên làm điều này.
Các chuyên gia y tế trên khắp thế giới đã khuyến khích mọi người đeo khẩu trang để bảo vệ và hạn chế sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên, một số người vẫn đeo khẩu trang cũng như tái sử dụng chúng không đúng cách.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin, các nhà khoa học Australia đã cảnh báo không nên xịt khử khuẩn lên khẩu trang vì phương pháp này có thể làm giảm hiệu quả của chúng.
Trong nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về hiệu quả của việc xịt khử khuẩn khẩu trang, được công bố ngày 24/2, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) đã phát hiện ra rằng khẩu trang N95 và P2 khi tiếp xúc với chất khử trùng chứa cồn có nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng khả năng bảo vệ khỏi các nguy cơ lây lan virus trong không khí.
Tiến sĩ Jurg Schutz, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết phát hiện này sẽ giúp cung cấp thông tin bổ ích cho mọi người về cách sử dụng khẩu trang dùng một lần.
“Khẩu trang dùng một lần sẽ tiếp tục là một phần thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta, bởi chúng cung cấp khả năng bảo vệ trước COVID-19, các biến thể của nó và bất kỳ mầm bệnh nào trong tương lai. Nhưng có những người đang cố gắng kéo dài tuổi thọ của khẩu trang bằng cách khử khuẩn chúng. Chúng tôi đã nghiên cứu về những loại sản phẩm mà mọi người đã sử dụng nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch, như dung dịch vệ sinh và nước rửa tay chứa cồn. Kết quả cho thấy những loại sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến tính chất tĩnh điện của khẩu trang”, dẫn lời ông Schutz.
Tác giả nghiên cứu lưu ý, những chiếc khẩu trang này hoạt động dựa vào cơ chế điện tích thu hút các hạt và bẫy chúng giống như một mạng nhện. Ông Schutz cho biết: “Lượng điện tích này có thể bị phá hủy bởi hơi cồn có nồng độ cao”.
Khẩu trang vải, khẩu trang N95, khẩu trang phẫu thuật, nên dùng loại khẩu trang nào?
Theo các chuyên gia, khẩu trang N95 hoặc khẩu trang phẫu thuật 3 lớp có hiệu quả bảo vệ trước COVID-19 và các biến thể của nó cao hơn so với khẩu trang vải.
Bà Leana Wen, bác sĩ khoa cấp cứu và giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học George Washington, cho biết, do các hạt virus có thể bay trong không khí nên một chiếc khẩu trang vải đơn giản sẽ không bảo vệ được bạn.
Theo CDC Mỹ, khẩu trang N95 có thể lọc tới 95% các hạt và giọt bắn trong không khí. Khẩu trang phẫu thuật 3 lớp cũng có thể ngăn tiếp xúc với các giọt bắn bị nhiễm bệnh ở trong không khí tốt hơn so với khẩu trang vải.
Đeo khẩu trang N95 không chỉ có khả năng bảo vệ cao hơn trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19, mà còn bảo vệ trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng.
Tiến sĩ Anupam Sibal, Giám đốc kiêm Bác sĩ chuyên khoa Gan mật và Tiêu hóa, khoa Nhi, Bệnh viện Apollo, khuyến nghị những người có tiền sử dị ứng, hen suyễn, viêm phế quản hoặc bất kỳ vấn đề hô hấp nào khác nên sử dụng khẩu trang N95. Theo ông, khẩu trang bằng vải không phải là lý tưởng nếu xét từ khía cạnh ô nhiễm.