Cảnh báo nhiều thủ đoạn mới về lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo
Cảnh báo nhiều thủ đoạn mới về lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo
Nhiều thủ đoạn lừa đảo mới tinh vi
Bộ Công an cho biết: Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng Internet ngày càng gia tăng, phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi như: Sử dụng tài khoản Facebook, đăng tải bài viết nhận đưa người từ Campuchia về Việt Nam và yêu cầu người nhà nạn nhân chuyển tiền đặt cọc để chiếm đoạt; Cố ý chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của bị hại và gọi điện, nhắn tin đòi số tiền đã chuyển nhầm cộng thêm mức lãi nặng; Lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; Đánh cắp thông tin tài khoản, số điện thoại, hình ảnh của người dân, sau đó làm giả chứng minh nhân dân, căn cước công dân để lấy mã OTP, chiếm quyền sử dụng tài khoản và chuyển tiền sang tài khoản của ngân hàng khác để chiếm đoạt…
Theo thống kế của công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã phát hiện 59 vụ liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 16,3 tỉ đồng; khởi tố 32 vụ, 16 bị can.
Qua công tác đấu tranh, xử lý các vụ án cho thấy: Hầu hết trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đều diễn ra với cùng kịch bản, đó là các đối tượng tội phạm thường lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, sự chủ quan, thiếu cảnh giác, thiếu thông tin kiểm chứng, thậm chí là sự hám lời của bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Mặc dù các hình thức, thủ đoạn lừa đảo không mới và các lực lượng chức năng cũng đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, thế nhưng do thiếu hiểu biết, nhiều người vẫn dễ dàng trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng…
Điển hình, Phòng Cảnh sát hình sự vừa điều tra, làm rõ và bắt giữ 4 đối tượng gồm: Nguyễn Thu Vân, sinh năm 1988 ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú; Lê Thị Kim Thoa, sinh năm 1995 ở phường 16 quận Gò Vấp; Bùi Đăng Cường, sinh năm 1994 ở phường Tân Chánh Hiệp, Quận 2 và Đoàn Tuấn Anh, sinh năm 1990 ở xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức liên kết bán hàng.
Do có được thông tin cá nhân của khách hàng nên các đối tượng này đã chia thành nhiều nhóm để tiếp cận bị hại, giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng, mời chào mua hàng trúng thưởng, mời gọi liên kết bán hàng để hưởng hoa hồng, quà tặng….
Mặc dù đều thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, thế nhưng với những thủ đoạn rất tinh vi, được bố trí chặt chẽ, từ tháng 6/2020 đến tháng 4/2021, các đối tượng đã lừa đảo 1 bị hại ở tỉnh Thanh Hoá với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng.
Phát hiện dấu hiệu lừa đảo phải thông báo ngay với cơ quan công an để xử lý
Thượng tá Nguyễn Xuân Toán, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh cho biết: Trước tình hình như vậy, cơ quan Công an đã triển khai rất nhiều biện pháp, kể cả tuyên truyền, đấu tranh. Tuy nhiên với thủ đoạn mới, người dân cập nhật tình hình chậm so với diễn biến của tội phạm nên còn liên tục xảy ra các vụ án, vụ việc với những thủ đoạn mới và khác nhau.
Để phòng, tránh rủi ro, người dân cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người khác khi chưa xác thực.
Khi phát hiện các dấu hiệu, thông tin liên lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời thông báo cho cơ quan Công an để xử lý.
Sự bùng nổ của công nghệ viễn thông và công nghệ thông tin đã khiến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sự biến tướng ngày càng tinh vi và khó phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hơn. Do đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, các cấp, ngành và mỗi người dân sử dụng mạng viễn thông, internet cần tỉnh táo, cảnh giác... Có như vậy mới góp phần kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi loại tội phạm này.