Trước làn sóng Covid-19 lần thứ 4, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục vấp phải nhiều khó khăn. Lượng giao dịch condotel, biệt thự, nhà phố, shophouse tại các thủ phủ du lịch biển đều sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2021.
Trước làn sóng Covid-19 lần thứ 4, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục vấp phải nhiều khó khăn. Lượng giao dịch condotel, biệt thự, nhà phố, shophouse tại các thủ phủ du lịch biển đều sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2021.
DKRA Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong tháng 7 với thanh khoản lao dốc trong bối cảnh phong tỏa, giãn cách ở nhiều tỉnh thành do tác động của đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư.
Phân khúc condotel không có dự án mới nào được mở bán trong tháng 7 vừa qua và thanh khoản thị trường bằng không, kém nhất kể từ tháng 3 năm nay. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng, nhiều chủ đầu tư phải khóa giỏ hàng, điều chỉnh chính sách bán hàng.
Trong khi đó, suốt tháng 7, phân khúc nhà phố, shophouse biển chỉ ghi nhận 26 căn từ một dự án được mở bán, rổ hàng giảm 89% so với tháng 6. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 4%, bằng 3% so với tháng 6. Nguồn cung và thanh khoản phân khúc này ghi nhận xuống thấp nhất kể từ quý 1/2021.
Riêng phân khúc biệt thự biển ghi nhận 4 dự án mở bán (bao gồm 1 dự án mới và 3 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường 179 căn, nhưng chỉ bán được 21 căn, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 12%. Lượng tiêu thụ ở mức rất thấp, chủ yếu tập trung tại tỉnh Bình Định.
"Nhiều dự án phải tạm ngừng triển khai, khóa giỏ hàng do dịch bệnh bùng phát khiến nguồn cung và lượng tiêu thụ mới trong tháng sụt giảm mạnh so với tháng trước. Mặc dù vậy, phân khúc nhà phố/shophouse biển vẫn là phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng", theo chuyên gia DKRA.
Hiện nay, nhiều dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị truyền thông, dự kiến nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung và sức cầu sẽ tăng và tập trung chủ yếu ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Trước đó, báo cáo quý 2/2021 của Bộ Xây dựng cho thấy, nguồn cung mới khách sạn 4 - 5 sao và khu du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước vẫn rất hạn chế. Giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng trong quý 2/2021 năm nay giảm khoảng 20 - 25% so với quý trước. Công suất thuê phòng khách sạn toàn thị trường có xu hướng tăng ở giai đoạn đầu quý 2/2021 khi nhu cầu tham quan, du lịch trong dịp nghỉ lễ tăng lên.
Tuy nhiên, sang nửa cuối quý 2/2021, dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lại tiếp tục gặp khó khăn khi nhu cầu thuê và công suất thuê phòng sụt giảm mạnh.
Một số khách sạn đăng ký làm địa điểm cách ly có trả phí được coi là một trong những giải pháp tình thế để tăng tỷ lệ lấp đầy phòng và cải thiện doanh thu nhưng có rất ít hiệu quả trong thực tế.
Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không còn sức hấp dẫn như trước, giao dịch tiếp tục ở mức thấp. Điều này do 2 nguyên nhân là nguồn cung hạn chế và tâm lý “cố thủ, chờ đợi” của các nhà đầu tư xem diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ còn khó khăn khi dịch bệnh vẫn chưa thể kiểm soát, sẽ có những doanh nghiệp không còn tiếp tục duy trì được khi dịch bệnh kéo dài. Trong khi đó, tình trạng nhà đầu tư chuyển nhượng để cắt lỗ đang ngày càng lan rộng.
DKRA Vietnam dự báo, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, hoạt động du lịch bị suy giảm nghiêm trọng nên từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và condotel nói riêng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có thể nói gần như rơi vào trạng thái "ngủ yên".